Văn hóa Tây Bắc - những mạch nguồn chảy mãi

26/04/2020 10:34

Tây Bắc không chỉ là xứ sở hùng vĩ, hiểm trở, thơ mộng với những cánh rừng đại ngàn, những triền ruộng bậc thang mà còn là một kho trầm tích văn hóa dân gian được hình thành, lưu giữ và phát triển từ ngàn đời.

Mưu sinh từ lâu đời trên những triền núi cao, bên những dòng suối mát lành, đồng bào vùng cao Tây Bắc đã hình thành cho mình một vốn văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc. Mỗi một dân tộc lại có một nét riêng trong dòng chung văn hóa dân gian Tây Bắc. Trong quá trình chinh phục tự nhiên, tạo dựng cuộc sống, sinh cơ lập nghiệp, đồng bào các dân tộc vùng cao đã sinh thành những quan niệm nhân sinh để rồi từ những quan niệm đó đã chuyển hóa thành những phong tục, tập quán riêng trong đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của bản làng. Từ đời này sang đời khác, người già lưu giữ và truyền lại cho con cháu đời sau và đời sau nữa. Cứ như thế, kho trầm tích văn hóa dân gian trong những vùng đất, những bản làng luôn ăm ắp những giá trị nhân văn, luôn đa dạng những loại hình và được bồi đắp theo tháng năm.

Trên những triền núi cao, bên những dòng suối mát lành, đồng bào vùng cao Tây Bắc đã hình thành cho mình một vốn văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc.

Khi nói đến văn hóa dân gian vùng Tây Bắc, chúng ta cần nhận diện nó từ nhiều phương diện, khía cạnh và giá trị: nguồn gốc bản địa; trong cuộc sống hàng ngày; những phong tục, tập quán… Những phương diện, khía cạnh và giá trị này đã hình thành và dần khẳng định văn hóa dân gian của các dân tộc vùng Tây Bắc hết sức đa dạng, phong phú về các loại hình, hình thức diễn xướng và phương thức lưu truyền.

 Đối với những phong tục tập quán, lại chia ra phong tục: cưới hỏi; tang ma; làm nhà; tập quán chữa bệnh; thờ cúng tổ tiên; đặt tên... Đó còn là văn hóa trang phục như thêu thùa, dệt vải, làm đồ trang sức; văn hóa ẩm thực được thể hiện qua những món ăn cụ thể, cách chế biến và dư vị của nó; vốn văn học dân gian được hình thành và lưu truyền vô cùng phong phú trong đời sống văn hóa của các dân tộc như hệ thống những câu tục ngữ, hát ru, câu đố, hát yếu, truyện cổ... điển hình như những di sản vô cùng quý giá như hát then của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao, các nghi lễ như lễ cúng rừng của người Mông...

Kho tàng văn hóa dân gian Tây Bắc đang dần được truyền lại cho lớp trẻ kế cận.

Nét độc đáo của văn hóa dân gian vùng Tây Bắc được thể hiện ở môi trường diễn xướng. Không nằm im trên những trang sách ghi chép, nét văn hóa dân gian Tây Bắc là nguồn văn hóa “động” bởi sự diễn xướng được diễn ra thường ngày hay vào dịp các lễ hội. Phải kể đến như diễn xướng khèn Mông, nghi lễ cúng then, lễ cấp sắc với sự tham gia của cộng đồng. Những tập quán được hiện hữu sinh động như văn hóa chợ phiên, lễ mừng cơm mới, hội cốm, lễ hội xuống đồng, ngày hội ẩm thực... Điều đó đã khiến cho văn hóa dân gian mang đậm tính cố kết cộng đồng, sự hòa điệu nét văn hóa của từng dân tộc đã hội tụ thành một vườn hoa đa sắc màu của văn hóa dân gian.

 Trong hành trình hình thành, lưu truyền văn hóa dân gian Tây Bắc, có những vùng đất đã đi vào tiềm thức của con người, trở thành địa chỉ văn hóa để mỗi khi nhắc đến, mỗi người đều cảm nhận đó là một miền đất của văn hóa dân gian. Dọc hành trình lên Tây Bắc, ở đâu, chúng ta cũng gặp những miền đất văn hóa. Ở đó, có sự hòa điệu tuyệt vời giữa vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của cảnh sắc thiên nhiên với chất văn hóa dân gian đậm đà bản sắc. Chính sự hòa điệu này là yếu tố quan trọng để mời gọi, níu chân du khách và quảng bá, giới thiệu những sản phẩm văn hóa. Từ lâu, những tên đất, tên làng đã thấm sâu vào tâm hồn những ai ưa khám phá vẻ đẹp Tây Bắc như: Nghĩa Lộ, Mường Lò, Tú Lệ, Mù Cang Chải, Mai Châu, Mộc Châu, Bắc Hà, Mường Hum, Y Tý, Sa Pa, Mường Hoa, Lũng Pô, bản Lác... Đi đến đâu, con người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa dân gian để từ đó có những cảm nhận riêng về mỗi xứ sở.

Văn hóa dân gian Tây Bắc được hiện hữu trong đời sống của đồng bào vùng cao rất tự nhiên, giản dị mà vẫn có những nét riêng độc đáo. Bởi tính diễn xướng của những loại hình văn hóa dân gian nên mỗi nét lại có cách biểu hiện riêng. Có thể chỉ qua một món ăn dân dã thường ngày, qua chiếc mâm được đan bằng cật tre, qua chiếc gùi, chiếc địu của đồng bào. Đôi khi chỉ thể hiện qua câu hát then từ câu hát thường ngày của người thiếu nữ Tày hay qua một họa tiết trên hoa văn thổ cẩm, qua giọng nói riêng...

 Tuy nhiên, cuộc sống càng hiện đại thì những giá trị văn hóa cổ truyền càng ít nhiều bị mai một. Đây là điều không thể tránh khỏi trong quy luật hình thành và phát triển của văn hóa dân gian Tây Bắc. Vì thế, ngày nay, có những nét văn hóa chỉ tồn tại trong kí ức người già, chỉ nằm im lìm trong những trang giấy cũ, chỉ được tạo dựng mỗi khi có đơn đặt hàng. Những truyền nhân, nghệ nhân trong những bản làng mang nỗi lo về di sản văn hóa của dân tộc mình đang bị mai một, không được truyền lại. Họ lo con trẻ không biết hát then, thổi khèn, không tròn vành rõ chữ khi phát âm tiếng dân tộc mình, không biết mặc trang phục do họ làm nên... Họ lo khi người già khuất núi, sẽ mang theo xuống lòng đất cả một kho tàng văn hóa dân gian vốn trước đây được lưu trong trí nhớ và truyền miệng.    

 Vùng Tây Bắc xa xôi còn chứa đựng biết bao điều kỳ diệu về văn hóa dân gian. Mỗi bản làng, mỗi vùng đất là mỗi phong tục, tập quán mà dù có đi nhiều, cảm nhận nhiều cũng khó lòng kể hết. Điều quan trọng là làm sao để cho sức sống mãnh liệt, bền bỉ của văn hóa dân gian như một dòng suối có mạch ngầm từ kho trầm tích văn hóa xứ sở chảy mãi./.

 
Bài, ảnh: ​Nguyễn Thế Lượng
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới