Kinh lá buông - 'báu vật' của đồng bào Khmer An Giang
22/11/2024 08:05
Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Kinh lá buông không chỉ là tài liệu ghi chép về các nghi lễ tôn giáo mà còn là kho tàng tri thức về văn học, y học, lịch pháp cũng như những câu chuyện dân gian phản ánh cuộc sống của cộng đồng.
Hồn chữ" trên kinh lá buông
Bà Hồ Thị Hồng Chi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang cho biết, kinh lá buông là một di sản văn hóa độc đáo thể hiện sự khéo léo, tài năng sáng tạo trong trình độ kỹ thuật và tri thức của người Khmer. Đây không chỉ là di sản văn hóa đại diện cho một tộc người mà còn là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Kinh lá buông được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo trường phái Thomanadut và Mahanikay xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIX. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá buông được người dân tộc Khmer gọi là Sa-tra (kinh Phật).
Toàn tỉnh hiện còn lưu giữa khoảng 170 bộ kinh lá buông, nằm rải rác tại các ngôi chùa Khmer, nhiều nhất là tại chùa Xvay Ton - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ở thị trấn Tri Tôn), nơi được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “Ngôi chùa lưu giữ bộ kinh lá buông nhiều nhất Việt Nam”. Hiện nay, bộ sách không còn đầy đủ do thời gian và việc bảo quản không đảm bảo nhưng vẫn thể hiện gần như trọn vẹn những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer.
Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang, trụ trì chùa Soài So Tôm Nớp (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) là nghệ nhân duy nhất nắm giữ kỹ thuật viết chữ Pali (chữ Khmer cổ). Trưởng lão cho biết, kinh lá buông có 4 loại gồm: Kinh Phật; truyện cổ dân gian; hội hè, trò chơi dân gian; bài giáo huấn dân gian. Trong đó, kinh Phật chạm khắc trên lá buông là tài liệu quý, ghi lại những lời dạy của Phật để truyền cho hậu thế và chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như Lễ Phật đản, lễ Kathina (lễ dâng bông, dâng y cà sa), lễ Thvai PresKhe (cúng trăng), lễ Dolta (cúng ông bà)...
Ngoài kinh Phật, các văn bản viết trên lá buông còn ghi chép những nội dung về văn học, lịch pháp, y học, câu chuyện kể về các hiện tượng của đời sống xã hội...
Theo Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, viết chữ trên lá buông rất kỳ công. Ðầu tiên là lựa chọn lá cây buông (loại lá gần giống cây cọ, có lá to, dài), khi đọt lá non vừa nhú ra, phải quấn kín bằng vải giữ tấm lá được trắng, sạch, không bị côn trùng cắn rách, chờ khi tấm lá dài hơn 2m mới thu hoạch mang về chùa. Lá cây này sau khi cắt về sẽ tiếp tục được phơi nắng, phơi sương, nhúng nước sôi… giúp lá thêm dẻo dai, có thể chống chịu được thời gian và tác động của môi trường.
Quá trình khắc chữ trên lá buông là nghệ thuật tinh xảo, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn và tay nghề cao. Người viết chữ phải dùng một loại bút đặc biệt được làm bằng gỗ, vừa tay cầm, một đầu có mũi nhọn bằng kim loại gọi là Đek-cha để “khắc” chữ lên lá. Mỗi lá kinh sẽ viết được từ 4 - 5 dòng, mỗi dòng từ 15 - 20 chữ. Viết xong, người viết sẽ tẩm lên lá buông một hỗn hợp gồm nước, dầu lửa và than. Khi mang phơi khô, những dòng chữ sẽ hiện ra rõ nét và đẹp mắt.
“Viết kinh, chữ trên lá buông là một việc làm rất khó khăn, cần nhất là ý chí kiên nhẫn và chỉ những ai tinh thông Phật pháp mới có thể làm ra những bộ kinh có được nét chữ đẹp, đều đặn, thẳng hàng, rõ ràng để lưu truyền đến thế hệ hôm nay” - Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty chia sẻ.
Người viết kinh, chữ trên lá buông phải tìm không gian yên tĩnh, tập trung cao độ và ở nơi đó cho đến khi hoàn thành quá trình viết chữ. Anh Ry Thy (người đang theo học cách viết kinh lá buông từ Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty nhiều năm nay) khẳng định, một ngày, nhanh lắm thì một nghệ nhân chỉ viết được 2 - 5 tấm lá. Nếu bất cẩn không tập trung, nét chữ bị sai thì cả tấm lá phải bỏ. Do đó, để chép xong một bộ kinh phật có độ dài từ 20 - 60 lá thường mất hàng tháng.
Bảo tồn, phát huy giá trị kinh lá buông
Tại chùa Mỹ Á (phường Núi Voi, thị xã Tịnh Biên), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND thị xã Tịnh Biên tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật viết chữ trên kinh lá buông cho 24 vị sư, sãi các tại chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh. Chứng kiến các sư, sãi tỉ mẩn viết từng chữ Pali trong kinh Phật lên lá buông, mọi người càng hiểu rõ hơn sự khéo léo, kỳ công của người xưa khi tạo tác nên những bộ kinh tồn tại hàng trăm năm.
Hòa thượng Chau Cắt, Sư cả chùa Mỹ Á cho rằng, trước đây, kỹ thuật viết kinh trên lá buông chỉ được chân truyền cho các đệ tử giỏi nhất nên không nhiều sư, sãi biết được. Bây giờ, kinh lá buông cần được bảo tồn. Do đó, địa phương cần mở lớp truyền dạy để nhiều người có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật này, qua đó, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang cho thế hệ sau.
Theo Hòa thượng Chau Cắt, ngày xưa, hầu như chùa Khmer nào cũng có hàng chục bộ kinh lá buông để truyền lời Phật dạy cho Phật tử và thế hệ sau. Nay vì nhiều lý do, số lượng các bộ kinh cổ không còn nhiều. Tại chùa Mỹ Á, chiến tranh phá hủy phần lớn các bộ kinh lá buông, hiện nơi đây chỉ còn lưu giữa được 5 bộ hoàn chỉnh. Có bộ đã tồn tại hơn trăm năm, có bộ lâu hơn nhưng do trên kinh không ghi lại năm thực hiện nên không xác định được thời gian cụ thể.
Trải qua thời gian, những bộ kinh lá buông đang phải đối mặt với nguy cơ hư hỏng do tác động của môi trường. Đặc biệt, kỹ thuật viết chữ trên lá buông đang dần bị mai một, số nghệ nhân còn lại ngày càng ít đi. Bà Bùi Thị Phương Mai, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang) cho biết, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản kinh lá buông cho các thế hệ sau, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên cùng các chùa Nam tông Khmer liên tục tổ chức các lớp học viết chữ Pali cho các sư, sãi và phật tử, với sự chỉ dạy trực tiếp của Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty.
Tuy nhiên, việc học viết chữ trên lá buông rất khó, không chỉ đòi hỏi đam mê mà còn cần có năng khiếu hội họa và sự kiên nhẫn. Do đó sau nhiều năm, số lượng người biết viết chữ Pali trên kinh lá buông vẫn còn khiêm tốn và chưa đủ khả năng khắc chữ như Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty.
Năm 2017, di sản Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dự kiến, trong giai đoạn 2028 - 2030, tỉnh sẽ xây dựng, trình hồ sơ di sản tư liệu về Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Các bài viết cùng chuyên mục
Festival Ninh Bình lần thứ III hứa hẹn nhiều nét mới, đặc sắc và ấn tượng
Top 5 loại cỏ dại được đưa vào sách thuốc uy tín
Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc, Cà Mau
Gần 1.000 nghệ sĩ sẽ tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1
5 dấu hiệu cảnh báo suy tim từ lâu
Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
Tác dụng khi uống trà xanh thêm vài lát gừng
Đẩy nhanh tiến trình UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới
Cuộc thi trực tuyến “Quân đội nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”