Lễ Gạ Ma Thú là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

14/06/2019 15:15

Lễ Gạ Ma Thú là nghi lễ lớn, quan trọng nhất trong năm của cộng đồng người Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm. Lễ hội này nhằm mục đích cầu cúng thần rừng thiêng và tổ tiên phù hộ để năm mới mưa thuận, gió hòa, mọi người trong bản mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Các thầy cúng chuẩn bị mâm lễ vật để cúng trong lễ Gạ Ma Thú. Ảnh: TTXVN

Ngày 13/6, tại bản A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé), UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản) của cộng đồng dân tộc Hà Nhì đang sinh sống ở 4 xã cực Tây Tổ quốc, gồm Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn.

Trước đó, tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/1/2019 của Bộ VHTT&DL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 26, lễ Gạ Ma Thú nằm trong danh mục 17 di sản được tôn vinh.

Trong lễ tục vòng đời, Gạ Ma Thú là nghi lễ lớn, quan trọng nhất trong năm của cộng đồng người Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây cũng là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi, mừng mùa Xuân mới.

Ngày cúng thường được chọn vào các ngày con rồng, con ngựa hoặc con hổ. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đây là những ngày thiêng, ngày tốt, thần linh bằng lòng xuống dự lễ hội và phù hộ cho dân bản.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Trong ngày thứ nhất và ngày thứ hai, các gia đình chuẩn bị lễ vật của mình: Đàn ông chuẩn bị lợn, gà, đan giỏ đựng trứng; phụ nữ chuẩn bị gạo, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng... Buổi chiều, các gia đình mang lễ vật tượng trưng cho những vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản để làm 8 mâm cúng, thực hiện các nghi thức: Cúng đầu bản (cúng chính), cúng thần nước (phía Tây), cúng thần rừng (phía Đông), cúng thần gió (phía Bắc), cúng thần đất (phía Nam), cúng vong linh...

Sau lễ cúng cổng bản là lễ cúng trong rừng thiêng của bản. Người chủ cúng đặt một bát gạo, một đôi gà, rượu, gói cơm vàng, ba quả trứng nhuộm vào bàn thờ dưới gốc cây gạo hoặc cây dổi trên rừng cạnh bản. Bên dưới gốc cây cũng có một sọt đất tượng trưng sọt gạo của bản. Chủ cúng khấn báo với chủ rừng thiêng, xin thần rừng phù hộ cho dân bản làm lễ cúng.

Ngày thứ ba, là ngày cúng chính thức. Đúng giờ đã chọn, chủ cúng và những người giúp việc mang gà, xôi ba màu, rượu, thịt lên cúng ở rừng thiêng để đuổi ma tà và những điều xấu. Phụ nữ và trẻ em không được tham dự lễ cúng  này. Các bà, các mẹ ở nhà luộc trứng rồi nhuộm thành màu đỏ, phân phát cho trẻ nhỏ. Theo lý của người Hà Nhì, những quả trứng này là những vật bảo trợ giúp trẻ mạnh khỏe, chóng lớn và thông minh.

Sau lễ cúng, cả bản tập trung tại nhà chủ cúng dự bữa tiệc liên hoan. Trong những ngày cúng bản, mọi người trong bản ngừng các công việc đi nương, đào đất, lấy củi. Mọi người đến từng nhà chúc năm mới. Trẻ em, người lớn hòa mình trong các lời ca, điệu múa, các trò chơi dân gian của dân tộc: Đánh cù, đu quay, đu dây, đánh khăng...

Lễ Gạ Ma Thú không chỉ phản ánh đời sống văn hóa tinh thần mà còn là nơi bảo tồn, khuyến khích sự phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, qua đó góp phần giáo dục nhân cách, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ và khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người Hà Nhì.

Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã xác lập một di sản mới trên mảnh đất Điện Biên, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 8 di sản.

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới