Hiệp định Geneva thể hiện bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam
26/04/2024 08:04
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, với Hiệp định Geneva, chúng ta đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ...
Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).
Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành ngoại giao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; Đại sứ, đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện gia đình thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử…
Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954. Ảnh tư liệu. |
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch, xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trên nền tảng tư tưởng “nhân nghĩa”, ông cha ta luôn coi trọng hoạt động ngoại giao, kết hợp chặt chẽ quân sự với ngoại giao, vừa “đánh” vừa “đàm”, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, tạo nên truyền thống và bản sắc hào khí, hòa hiếu và nhân văn của dân tộc Việt Nam: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, phát huy truyền thống và bản sắc tốt đẹp đó của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị và quân sự, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề để nhân dân ta thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhắc lại, trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công” ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Hội nghị Geveve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Quả thực, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do, thì với Hiệp định Geneva, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Việt Nam, là thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược.
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, mở ra cục diện chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam nhằm thực hiện trọn vẹn mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hội nghị Geneva là hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc. Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao cách mạng Việt Nam đã khẳng định tâm thế, trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, vị thế của một quốc gia có độc lập, chủ quyền và yêu chuộng hòa bình.
Hiệp định Geneva là thắng lợi mang ý nghĩa thời đại, bởi đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và ba nước Đông Dương, mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo lý và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng cùng trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Geneva là kết tinh thành quả đấu tranh gian khổ và hy sinh to lớn của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong thắng lợi chung của dân tộc, có đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như đội ngũ cán bộ phục vụ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định. Hội nghị Geneva đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác.
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về hội nghị Geneva. |
Nhìn lại 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, chúng ta biết ơn vô hạn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng cũng như sự hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tri ân sâu sắc sự cống hiến to lớn của các thành viên đoàn đàm phán và đội ngũ cán bộ tham gia đấu tranh yêu cầu thực thi Hiệp định Geneva.
Chúng ta mãi ghi nhớ tình đoàn kết trong sáng, sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia, sự hỗ trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneva 1954 là một mốc son trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học sâu sắc thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm. |
Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng và lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đã từng trải qua nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chân thành và thủy chung với bạn bè quốc tế, đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao Việt Nam và tinh thần Hiệp định Geneva, toàn ngành Ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng ngành Ngoại giao vững mạnh toàn diện, chuyên nghiệp và hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Trong không khí trang nghiêm, xúc động này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, và các thế hệ lãnh đạo tiền bối. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần tô thắm lịch sử hào hùng của dân tộc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chúng ta thành kính tưởng nhớ các nhà cách mạng lão thành đã tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva, góp phần mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam, tiến tới hoàn thành mục tiêu thiêng liêng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng ta trân trọng cảm ơn và ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam.
"Với Hiệp định Geneva, chúng ta đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, thắng lợi tại Hội nghị Geneva trước hết và quan trọng nhất là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người Anh hùng giải phóng dân tộc; là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và bền bỉ của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử; là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa anh em và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có Nhân dân Pháp.
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chia sẻ tại Lễ kỷ niệm: Đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva hôm nay, sự có mặt của gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và gia đình các đồng chí thành viên của Đoàn Chính phủ Việt Nam tham gia Hội nghị Geneva năm 1954 thể hiện tình cảm và sự ghi nhận của Tổ quốc đối với những người đã đóng góp to lớn và quan trọng vào thắng lợi của Hội nghị Geneva và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương chia sẻ: "Tôi có may mắn được sống cùng Ba của tôi là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch nên được Ba kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva. Ba nói với tôi, Bác Hồ là người chín chắn, giàu kinh nghiệm, Bác đã dự đoán, Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva sẽ gặp những áp lực rất lớn, mặc dù chiến thắng Điện Biên phủ và sự chuyển hoá trong Chính phủ và Quốc hội Pháp là cơ hội thuận lợi cho ta nhưng khó khăn lớn nhất là sự can thiệp của các nước lớn vào Hội nghị.
Chủ trương của Đảng và Bác Hồ là vừa đánh vừa đàm phán để kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Hiệp định Geneva là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự để thực hiện mục tiêu đó. Bác căn dặn Ba của tôi, trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam, Lào và Campuchia".
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh: Hiệp định Geneva năm 1954 thể hiện cho chúng ta thấy rõ rằng đường lối chiến tranh về mặt quân sự và chính trị ngoại giao sáng suốt, linh hoạt, tinh thần hy sinh và sự đoàn kết nội bộ và bên ngoài của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như Lãnh đạo của Đảng Cộng sản 3 nước. Mặt trận quân sự là đình chỉ chiến sự, rút lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi 3 nước và lập lại hòa bình tại Đông Dương. Tuyến chính trị ngoại giao được chập nhận và đảm bảo hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, Việt Nam và Campuchia, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Bài học về đàm phán trong Hội nghị Geneva và kinh nghiệm giải phóng chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành ngọn đuốc mãnh liệt của cách mạng đấu tranh quân sự và chính trị trong nhiều chiến dịch chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài và hoàn toàn giải phóng được đất nước của 3 nước Đông Dương trong năm 1975. Bảy mươi năm trôi qua, ngày ký Hiệp định chấm dứt chiến sự tại Hội nghị Geneva vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng hòa bình, bảo vệ giữ gìn và phát triển 3 nước Đông Dương trong bối cảnh hiện nay.
Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Bày tỏ sự vui mừng và vinh dự được tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha đánh giá buổi lễ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn để các thế hệ ngày nay nhớ lại về thời kỳ kháng chiến, những tấm gương kiên cường và anh dũng của các anh hùng quân đội giải phóng Việt Nam đã chiến đấu thắng lợi giành lại nền độc lập từ chế độ thực dân.
Theo Đại sứ Chea Kimtha, Hội nghị Geneva nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Sau khi ký Hiệp định Geneva, cả Campuchia, Việt Nam và Lào chưa có được một nền hòa bình ngay tức thì mà thay vào đó, lại phải đối mặt với những biến cố khó lường, cũng như các cuộc chiến tranh dai dẳng khác nổ ra trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, ba nước đã kề vai sát cánh và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như đấu tranh chống tội ác diệt chủng tàn bạo ở Campuchia. Ngoài ra, ba nước còn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các khuôn khổ song phương và đa phương nhằm khôi phục đất nước và không ngừng phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Ngày nay, Campuchia, Việt Nam và Lào đã bước sang một trang mới trong lịch sử, tự tin tiến lên đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác quốc tế, cũng như phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu nói chung, với tư cách là các nước thành viên của ASEAN, hiện do Lào làm chủ tịch, đang đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy