Trở lại sông Tiền

05/04/2024 09:02

Khu vực sông Tiền, nơi giao nhau giữa TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) và huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), đã từng “nổi sóng” khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Đến khi cuộc sống trở lại bình thường, vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) âm thầm bám trụ, làm nhiệm vụ xuyên suốt.

Chặn “cơn sóng ngầm”

Họ là thành viên của Biên đội lâm thời Lữ đoàn 962 (Quân khu 9), tổ chức thành nhiều chốt trên sông Tiền, có trách nhiệm phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang) và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (BĐBP tỉnh Đồng Tháp) canh gác, nắm tình hình cụm bè, nhà nổi, phương tiện thủy di chuyển trên sông Mekong hướng về biên giới. Đồng thời, sẵn sàng quân số, phương tiện để ngăn chặn, duy trì tuần tra, không để xảy ra tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

“Lúc 1 giờ 30 phút, ngày 7/1/2022, biên đội phát hiện 3 phương tiện chở 4 người (trong đó có 1 trẻ em) giả dạng xuồng câu nhập cảnh trái phép về Việt Nam”. “Lúc 2 giờ 10 phút, ngày 4/4/2022, lực lượng canh gác phát hiện 7 phương tiện kết thành 2 cụm, chở theo 13 người thả trôi xuống đường biên giới để nhập cảnh trái phép”.

“Lúc 20 giờ 15 phút, ngày 17/1/2023, lực lượng canh gác tàu 21-15 phát hiện vỏ lãi chở 2 người lớn và 4 trẻ em nhập cảnh trái phép vào biên giới Việt Nam trên đường sông phía bờ An Giang”. “Lúc 20 giờ 48 phút, ngày 1/3/2024, lực lượng canh gác tàu 31-04 phát hiện 1 đối tượng nam chạy vỏ lãi nhập cảnh trái phép phía bờ Thường Phước”…

Những dòng ghi chép ngắn gọn nhưng lại trải dài như thước phim chậm của 3 năm qua, phần nào giúp người xem hình dung được “những cơn sóng ngầm” bên trong khúc sông tưởng chừng bình yên này.

 

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 bám trụ thực hiện nhiệm vụ trên tàu

 

Tổng cộng, sau nhiều tháng trời “nếm mật nằm gai” giữa sông, CBCS biên đội trực tiếp phát hiện và tham gia ngăn chặn gần 90 vụ xâm nhập trái phép vào biên giới trên hướng sông Tiền (gồm 197 phương tiện thủy, 24 bè nổi, nhà nổi, hơn 670 lượt đối tượng), góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực. Nhiều cá nhân trong biên đội được Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh An Giang, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Tháp khen thưởng về thành tích ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19.

“Các tàu trong biên đội neo đậu tại nơi có mỏ cát đang khai thác, nơi trung chuyển cát, hàng hóa làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Vì vậy, lượng phương tiện thủy nơi đây dày đặc, phức tạp. Theo nhận định, tình hình trên tuyến biên giới đường sông này cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp khi một số đối tượng giữ ý định xâm nhập vào Việt Nam bất kể lúc nào. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động lâu dài theo chỉ đạo cấp trên” - thiếu tá Nguyễn Như Phương, Biên đội trưởng chia sẻ.

“Chắc tay súng, vững tay lái”

Nhờ nhiệm vụ phóng viên, tôi có nhiều dịp đến biên đội tác nghiệp, gặp gỡ nhiều đợt CBCS, phương tiện thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Trong lần ra thăm biên đội gần nhất (cuối tháng 3/2024), nhiều thành viên trong đoàn bày tỏ rằng, lần đầu tiên họ mới đặt chân đến khu vực này. Lần đầu tiên, họ cảm nhận rõ nét thế nào là vất vả, cực nhọc của CBCS, những điều khó cảm nhận qua báo chí, phương tiện truyền thông.

Muốn ra đến biên đội, đoàn công tác phải di chuyển bằng phương tiện thủy. Mỗi tàu neo đậu vị trí khác nhau, nên quá trình thăm hỏi, đi giáp vòng khu vực biên đội rất mất thời gian, có khi cả buổi chưa xong. Khó khăn lớn nhất hiện nay của CBCS là thời tiết cực đoan: Lúc nắng nóng gay gắt, rồi lại giông lốc bất ngờ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác đảm bảo an toàn trong neo đậu và cơ động.

Mặt khác, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài trên môi trường sông nước chòng chành, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chật chội, chỉ có thể vượt qua bằng ý chí kiên cường của người lính. Cách ngày, CBCS lại đi chợ bằng… ca-nô, sau đó về cấp cho đầu mối các tàu nấu nướng.

“Có đến thăm trực tiếp mới hiểu được phần nào vất vả, khó khăn của CBCS, trong khi nhiệm vụ vô cùng vẻ vang, nặng nề. Sau lần đi thăm đầu tiên này, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, vận động mọi người cùng chung tay hỗ trợ, đóng góp vật chất và tinh thần để CBCS thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ” - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang Nguyễn Văn Lên bày tỏ.

Kể từ ngày biên đội được thành lập, rất nhiều đoàn công tác Trung ương và địa phương đã lặn lội từ đất liền ra thăm. Mỗi chuyến thăm đều mang tính chất “tranh thủ”, chóng vánh trong buổi, trong ngày, nhưng đầy ắp tình cảm của “hậu phương” dành cho “tiền tuyến”.

Đại tá Huỳnh Văn Hơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 962 khẳng định: “CBCS Lữ đoàn nói riêng, các lực lượng phối hợp trong biên đội nói chung cảm nhận rõ nét và trân trọng tình cảm ấm áp, chân tình của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể… Chúng tôi hiểu được, phía sau mình là hậu phương hết sức vững chắc, tăng thêm ý chí “chắc tay súng, vững tay lái”. Hy vọng rằng, thời gian tới, biên đội càng được quan tâm, giúp CBCS toàn tâm toàn ý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới