An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

26/11/2024 09:29

Với vị trí địa lý chiến lược, An Giang đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn tại khu vực ĐBSCL. Tỉnh sở hữu nhiều lợi thế để phát triển bền vững, đặc biệt là tài nguyên du lịch (DL) phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, DL, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới. Về tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, với nguồn nước ngọt quanh năm và đất đai màu mỡ, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, diện tích đất sản xuất 278.423ha. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và quy trình sản xuất hiện đại, để trở thành một trong những trung tâm đầu mối về nông nghiệp lớn của vùng, theo Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Hiện nay, An Giang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài nước lẫn trên bản đồ nông sản toàn cầu, với các sản phẩm chủ lực: Lúa gạo, thủy sản, trái cây; tiềm năng mới về chăn nuôi, dược liệu. Tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản…

Đối với phát triển công nghiệp chế biến, tỉnh quy hoạch mới 4 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp, tổng diện tích 2.587ha, bao phủ các vùng nguyên liệu lúa, nếp, trái cây, rau màu, thủy sản và dược liệu, cho thấy định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghệ chế biến của An Giang rất rõ nét. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh gắn với vùng nguyên liệu tập trung, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL

 

Về DL, An Giang có đồng bằng, đồi núi với hệ sinh thái môi trường phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh thắng nổi tiếng. Đồng thời, tỉnh có sản phẩm DL phong phú, đa dạng, như: DL tham quan - nghỉ dưỡng, DL sinh thái, DL thể thao, vui chơi giải trí, DL cộng đồng, DL văn hóa và đặc biệt là DL tâm linh. Năm 2024, tỉnh đón 9 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Đến với An Giang, du khách sẽ đắm chìm cùng dãy Thất Sơn hùng vĩ, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nức tiếng linh thiêng, Hội đua bò Bảy Núi đậm đà nét đẹp văn hóa dân gian Khmer.

Để khai thác thế mạnh của “ngành công nghiệp không khói”, tỉnh định hướng phát triển đồng bộ các loại hình DL tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Rà soát, lập quy hoạch để kêu gọi đầu tư phát triển khu, điểm có khả năng phát triển DL; khai thác đặc trưng riêng từng địa phương, hình thành “Mỗi địa phương là một điểm đến”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm DL văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của vùng ĐBSCL.

Cùng với những tiềm năng trên, An Giang còn có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, với tuyến Quốc lộ 91, Quốc lộ N1, Quốc lộ 80 đi qua. Trong đó, Quốc lộ 91 là trục giao thông huyết mạch nối với Vương quốc Campuchia, qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu Khánh Bình. Cùng với đó, tỉnh cũng có lợi thế về giao thông đường thủy, với 319 tuyến (dài 2.703km), nối An Giang, các tỉnh ĐBSCL với các nước: Campuchia, Lào, Thái Lan, rất thuận lợi cho vận tải hàng hóa.

 

An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước

 

Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển, khai thác tiềm năng, An Giang cũng có nguồn nhân lực đảm bảo, với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 897.491 người. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,3%. Trên địa bàn tỉnh có Trường Đại học An Giang (thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đào tạo đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, còn có hệ thống trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề tại các địa phương trong tỉnh.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh An Giang đang hoàn thiện quy hoạch phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển mạnh khoa học - công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến. Tỉnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xem đây là ưu tiên hàng đầu để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa An Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới