Giữ nghề rèn truyền thống

25/11/2024 11:25

Tọa lạc cặp Đường tỉnh 943 rộng lớn, phương tiện giao thông qua lại không ngớt, lò rèn Hùng nhiều năm qua vẫn đỏ lửa, quang cảnh trở nên hiếm thấy ở đô thị.

Nhà ông Đinh Thình Thuần (50 tuổi, ngụ tổ 22, khóm Tây Khánh 3, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) ở ngay mặt tiền lộ lớn, cất khang trang, bên hông nhà là cơ sở rèn tồn tại gần 30 năm. Trước đây, ông cố, ông nội, cha ông đều làm nghề. Tính đến ông là 4 đời, vừa lao động kiếm sống, vừa muốn lưu giữ nghề truyền thống của gia đình. Hiện nay, con ông cùng hoạt động, nhưng chưa biết có chịu nối nghiệp hay không.

Ở thời trước, nghề rèn ăn nên làm ra, bởi dụng cụ sản xuất nông nghiệp (cuốc, leng, lưỡi hái, chét, phảng...), dao, búa, kéo sinh hoạt của gia đình đều quy tụ về lò rèn. Khu vực cầu Tầm Bót, chợ Bà Khen và vài nơi ở TP. Long Xuyên mọc lên nhiều lò rèn; ấp, xã ở nông thôn đều có lò rèn. Người rèn phải học nghề vài tháng, lò rèn chỉ đốt bằng than. Nào là phải có người cắt sắt, người nung, người đập, người mài... Thấy cha làm gì thì ông làm theo, dần dần tay nghề vững chắc. Ông không nhớ đã cho ra lò bao nhiêu sản phẩm, chỉ nhớ nhờ nó mà gia đình “sống được”, nếu không nói có phần dư dả.

 

 

Khoảng năm 1990, nhờ sẵn tay nghề, ông mua đất cất nhà ở, vừa làm cơ sở mưu sinh, vừa giữ nghề gia đình. Trước hết, ông không kén sản phẩm, ai đặt gì làm đó, thậm chí làm số lượng nhiều, để dành bán. Từ năm 1995 về sau, nghề rèn dần đi xuống, số người rèn, đặt nông cụ, dụng cụ sinh hoạt gia đình giảm xuống, nhưng chịu khó “đỏ lửa lò rèn” thì vẫn kiếm sống được. Bởi nghề này chủ yếu lấy công làm lời, trừ mọi chi phí (nhất là tiền điện), mỗi ngày thu nhập được vài trăm ngàn đồng.

Khi cơ giới phát triển mạnh, lò rèn nung đốt bằng điện, chỉ cần 2 người hợp sức là đủ. Ông Thuần đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị máy phát điện, máy cán ép, thiết bị nung đỏ sắt bằng điện. Công đoạn rèn được rút ngắn thời gian, không tốn nhiều công sức như trước. Mặt hàng đặt và số người đặt hàng giảm xuống đáng kể. Còn việc mài dao, kéo, nông cụ coi như vắng bóng hẳn. Hiện nay, cơ sở chỉ nhận mặt hàng lưỡi xới đất.

"Khách hàng hầu hết là chủ cơ sở, nông dân trong và ngoài tỉnh. Lưỡi xới đất kích cỡ 18 - 22cm. Giá bán 1 lưỡi xới dao động từ 15.000 - 25.000 đồng, tùy kích cỡ. Khâu quan trọng nhất là trui thép. Lúc trước làm thủ công, chỉ mỗi khâu đập mất vài chục phút, nay chỉ vài phút là xong. Tùy vào lượng người đặt hàng, cơ sở mua thép dự trữ, có thể sản xuất hàng ngàn lưỡi xới/ngày. Hiện tại, người đặt hàng khi ít, khi nhiều, có khi vài ngày không có hàng, phải ngồi chờ. Đã tốn nhiều chi phí cho đầu tư trang thiết bị và yêu nghề, nên gia đình tôi vẫn bám trụ cùng lò rèn”- ông Đinh Đình Thuần chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bạch Xuân (65 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên) chia sẻ: "Đang ở thời khoa học công nghệ, thời "mì ăn liền", hầu hết dụng cụ bếp núc, sinh hoạt của gia đình, tôi thường ra chợ mua về sử dụng. Khi dao, búa, kéo cùn, bị cong, chỉ cần đến điểm mài dao kéo ở khu vực cầu Duy Tân “xử lý” vài phút, tốn khoảng 10.000 - 15.000 đồng/cái. Giờ ít ai chịu đến lò rèn thực hiện. Ở đây, thường sản xuất nông cụ, mặt hàng sắt thép, nhưng được biết cũng chỉ hoạt động cầm chừng".

Khóm Tây Khánh 3 có 10 tổ, 617 hộ, không còn sản xuất nông nghiệp. Phần đông lao động là mua bán, làm thuê ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trước đây, ở khu vực cầu Mương Khai Lớn, có cơ sở lò rèn hoạt động, nhưng đã nghỉ do không hiệu quả. Giờ cơ sở Hùng là lò rèn duy nhất ở khóm còn đỏ lửa.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới