Tìm hiểu cội nguồn dân tộc

14/05/2024 17:15

Không chỉ học lịch sử qua bài giảng trên lớp, học sinh THPT trên địa bàn TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) còn được tham gia hội thi “Tìm hiểu cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Đây là hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, được tổ chức thường niên, góp phần truyền cảm hứng học lịch sử, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước.

Các phần thi của các học sinh

 

Thầy Đỗ Trung Nghĩa (Hiệu trưởng Trường THPT Châu Phong) cho biết, học lịch sử, tìm hiểu lịch sử sẽ giúp hình thành lòng yêu nước, bản lĩnh văn hóa. Càng biết nhiều, càng thấu hiểu nhiều, càng trân trọng giá trị lịch sử của dân tộc, nhớ ơn những bậc tiền nhân khai sinh nền móng nước nhà, nhớ ơn anh hùng, liệt sĩ không tiếc máu xương đổi lấy nền độc lập của dân tộc. Khi thấu hiểu được giá trị lịch sử, lòng tự hào, tự tôn dân tộc tự khắc lớn mạnh trong ta. Ta càng có ý thức, trách nhiệm dựng xây quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh, đời đời bền vững.

Trải qua 18 lần luân phiên đăng cai tổ chức, năm nay Hội thi lần thứ XIX năm 2024 cụm các trường THPT và Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang cơ sở 3 trên địa bàn TX. Tân Châu được Trường THPT Châu Phong đăng cai tổ chức.

 “Hội thi được tổ chức với mục tiêu tạo ra không gian cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, trân trọng giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Các hoạt động trong hội thi, gồm: “Theo dòng lịch sử”, “Hành trình đến địa chỉ đỏ” và “Tái hiện lịch sử”, giúp các em có cái nhìn sâu rộng, đa chiều về dân tộc mình” - thầy Đỗ Trung Nghĩa thông tin thêm.

6 đội tham gia hội thi, đại diện cho các trường: THPT Vĩnh Xương, THPT Nguyễn Quang Diêu, THPT Châu Phong, THPT Nguyễn Sinh Sắc, THPT Tân Châu, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang cơ sở 3. Em Trần Minh Thông (học sinh Trường THPT Châu Phong) chia sẻ: “Hội thi truyền cảm hứng đến mọi người thêm hiểu về lịch sử quê hương, đất nước.

Ngoài ra, còn giúp em và các bạn học lịch sử dễ hơn, qua phần thi “Tái hiện lịch sử”. Hội thi giúp chúng em nâng cao tinh thần đoàn kết, kỹ năng làm việc nhóm, đồng thời giao lưu, học hỏi được với các bạn ở trường khác”.

Tương tự, em Nguyễn Thị Bích Vy (học sinh Trường THPT Nguyễn Quang Diêu) hào hứng: “Đây là lần thứ 2 em tham gia hội thi. Em học được từ sự tự tin đến những kiến thức lịch sử của dân tộc ta. Nếu chỉ học lý thuyết thì rất khô khan, nhưng khi chúng em tái hiện lại lịch sử sẽ hiểu rõ hơn, dễ nhớ hơn về mốc thời gian, những chi tiết, tình huống trong môn học lịch sử”.

Kết quả, Trường THPT Nguyễn Quang Diêu xuất sắc đoạt giải nhất, Trường THPT Tân Châu đoạt giải nhì, Trường THPT Vĩnh Xương đoạt giải ba. Đội có phần thi “Tái hiện lịch sử” hay nhất thuộc về Trường THPT Tân Châu, với phần trình diễn tái hiện cuộc đời cách mạng của nữ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Neáng Nghés, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa 2 dân tộc Kinh - Khmer.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Tân Châu, Trưởng ban Giám khảo Hội thi Thái Văn Dũng cho biết, nhìn chung, các trường tập trung đầu tư về nguồn lực, con người đáp ứng yêu cầu, từng bước ứng dụng chuyển đổi số vào nội dung thi. Nội dung thi kiến thức lịch sử tương đối toàn diện, từ lịch sử dân tộc đến thế kỷ XXI, lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ Tân Châu, chủ quyền biển đảo, phân giới cắm mốc, lịch sử hình thành và phát triển tỉnh... Điểm mới năm nay, về nội dung có thêm phần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024.

Đối với phần thi "Theo dòng lịch sử", câu hỏi bao quát nhiều thời kỳ lịch sử, vấn đề mang tính chất thời sự chung của cả nước nói chung, địa phương nói riêng; tuyên truyền về kiến thức văn hóa, lịch sử địa phương. Các đội dự thi cố gắng tìm hiểu nên kết quả rất tốt, đạt điểm tuyệt đối ở phần thi này.

Đối với phần thi "Tái hiện lịch sử", hầu hết tập trung đầu tư về trang phục, cảnh trí, đạo cụ, âm thanh phù hợp với nhân vật và hoàn cảnh lịch sử. Có những phần tái hiện lịch sử thể hiện sinh động lời dẫn, lời ca minh họa chủ đề. Về nội dung, nhiều kịch bản phân vai, phân cảnh rõ; chính xác về thời điểm, giai đoạn lịch sử, bố cục hợp lý, logic.

Phần thi "Hành trình đến địa chỉ đỏ" liên quan đến lịch sử thế kỷ XIX và XX, gắn liền đậm nét với lịch sử Đảng bộ tỉnh và TX. Tân Châu. Phần này có độ khó tương đối cao, mang tính hấp dẫn, lôi cuốn các đội thi; cung cấp thêm kiến thức, hiểu biết về lịch sử cho người xem. Các thí sinh, đội dự thi nghiên cứu tìm hiểu những nội dung lịch sử do ban tổ chức đề ra.

Có thể khẳng định, sân chơi “Tìm hiểu cội nguồn dân tộc Việt Nam” trong học sinh có ý nghĩa rất lớn, giúp khơi dậy tinh thần đam mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc. Từ đó, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới