Tăng trách nhiệm giải ngân đầu tư công
27/03/2024 09:01
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cao hơn 2023, vừa tạo áp lực giải ngân nhưng cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi giải ngân tốt. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các chủ đầu tư xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với thi đua - khen thưởng năm 2024.
Giải ngân cao nhưng chưa đạt yêu cầu
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp, địa phương, chủ đầu tư đã quyết tâm phải thực hiện giải ngân đạt từ 95% trở lên. Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 6/2023 đạt 32,78%, đến hết tháng 9 đạt 57,27%; chỉ trong quý III, đã giải ngân gần bằng 6 tháng của năm 2023.
Tuy nhiên, các tháng cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân không đạt như kỳ vọng, dẫn đến kết quả giải ngân cả năm chỉ đạt 90,68%. “Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh thấp hơn yêu cầu (trên 95%), nhưng đây là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, chủ đầu tư, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương” - ông Phạm Minh Tâm nhận xét.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá tích cực về tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt 90,68% năm 2023, cao hơn 5,66% về tỷ lệ và tăng gần 1.227,86 tỷ đồng về giá trị so năm 2022. Tuy nhiên, đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022 được kéo dài sang năm 2023, số vốn chưa giải ngân phải hủy dự toán gần 160,38 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hơn 43,86 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 116,52 tỷ đồng).
“Trong tình hình ngân sách tỉnh còn khó khăn, đây là vấn đề mà các cấp, ngành, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để có các giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước lưu ý.
Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023 chưa giải ngân còn khá cao, với gần 909,88 tỷ đồng, phải trình cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang thực hiện năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các sở, ngành có liên quan, chủ đầu tư chủ động chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục, kế hoạch thực hiện chi tiết từng dự án để đảm bảo giải ngân hết số vốn được phép kéo dài theo thời gian quy định (đến ngày 31/12/2024).
Quyết tâm năm 2024
Rút kinh nghiệm trong việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị từng ngành, từng cấp, chủ đầu tư phải tập trung quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm 2024 đúng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, nhất là các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, về hướng dẫn các quy định, việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục phải được thực hiện hoàn thành sớm, nhanh để làm cơ sở triển khai thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành, giải ngân kế hoạch vốn.
“Vai trò của người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố hết sức quan trọng, do đó phải có trách nhiệm, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; xem việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024. Sở KH&ĐT phối hợp Sở Nội vụ rà soát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, quy định hiện hành, tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch vốn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu việc xác định tính chủ động, quyết liệt của từng chủ đầu tư đối với từng dự án cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Những đơn vị này nắm rõ tiến độ cụ thể của từng dự án; khó khăn, vướng mắc trong từng khâu triển khai dự án, từ đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể để các sở, ngành có liên quan xem xét, xử lý hoặc báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý nếu vượt thẩm quyền. Đây là yếu tố quyết định để dự án được triển khai và hoàn thành. Các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan chủ trì và địa phương phải chủ động thống nhất, xử lý các khó khăn, vướng mắc để hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục ngay từ đầu năm, đảm bảo việc triển khai thực hiện các chương trình được thuận lợi, tránh điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân.
Chuẩn bị lâu dài
Sở KH&ĐT An Giang, Sở Tài chính được giao kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chuyển số vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt; kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn từ năm 2023 sang năm 2024.
Đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông công bố kết quả giải ngân định kỳ hàng tháng của các chủ đầu tư trên phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Tổ công tác xử lý các khó khăn, vướng mắc các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn của chủ đầu tư theo thẩm quyền, hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư.
Dự kiến, UBND tỉnh An Giang sẽ trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp cuối năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước giao Sở KH&ĐT phối hợp Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan làm việc thống nhất với các chủ đầu tư tiến hành rà soát thật kỹ, sát với tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn để việc điều chỉnh kế hoạch vốn đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, phải được chủ động chuẩn bị đầy đủ nhu cầu các công trình lớn, bức xúc ngay từ bây giờ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập kế hoạch, tránh trường hợp điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em