Phát triển hệ thống chợ và khu dân cư kết hợp chợ
03/04/2024 13:31
Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đang triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ và khu dân cư kết hợp chợ trên địa bàn huyện. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, tạo môi trường thương mại văn minh, hiện đại… góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xã hội hiện đại, ngoài chợ truyền thống, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn nhiều kênh mua bán khác, như: Siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ điện tử. Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối, là kênh chủ lực tiêu thụ hàng hóa; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn huyện Thoại Sơn có khoảng 22 khu chợ truyền thống. Thông qua các khu chợ này, thói quen, tập quán mua bán hàng hóa của người dân được duy trì ổn định.
Nằm trong xu thế phát triển của thương mại hiện đại, chợ truyền thống, vừa qua, UBND huyện Thoại Sơn ban hành kế hoạch phát triển hệ thống chợ và khu dân cư kết hợp chợ trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Võ Văn Hòa cho biết, mục tiêu nhằm nâng chất và phát triển hệ thống mạng lưới chợ phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch vùng. Từ đó, đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân; nâng cao chất lượng dịch vụ và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả tại các chợ nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc phát triển hệ thống chợ và khu dân cư kết hợp chợ trên địa bàn huyện Thoại Sơn còn nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chợ nông thôn, nhất là đối với các chợ chuyển mô hình kinh doanh chợ. Trong đó, chú trọng các giải pháp quản lý vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy, nổ và bảo đảm an ninh trật tự… trong khu vực chợ. Từ đó, tiến tới xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo các tiêu chí chung về chợ kinh doanh thực phẩm…
Các chợ trên địa bàn huyện Thoại Sơn đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân
Đồng thời, huy động các nguồn lực vào công tác đầu tư xây dựng hạ tầng chợ. Ưu tiên các chợ khu vực trung tâm huyện, trung tâm các xã, thị trấn theo quy hoạch. Mặt khác, nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện cơ sở vật chất, dịch vụ thiết yếu các chợ hiện hữu trên địa bàn. Qua đó, góp phần duy trì, nâng chất tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Võ Văn Hòa thông tin thêm, tùy theo nhu cầu thực tế từng địa phương, huyện Thoại Sơn sẽ xem xét tính khả thi để thực hiện và cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cải tạo chợ. Việc đầu tư, nâng cấp phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu, dịch vụ thiết yếu tại chợ và mang lại hiệu quả cho quá trình hoạt động kinh doanh tại các chợ nông thôn.
Ngoài ra, việc đầu tư phát triển mới, nâng cấp, sửa chữa chợ phải theo nguyên tắc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ theo quy định. Căn cứ các quy định về quản lý chợ và các quy định hiện hành; nắm bắt tình hình hoạt động của các chợ để có định hướng phát triển, điều chỉnh phù hợp theo quy định.
Việc phát triển mới, nâng cấp cải tạo chợ phải đảm bảo nhu cầu thực tế; phù hợp các quy hoạch được duyệt và đồng bộ với hệ thống các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước và các công trình công cộng khác. Quy mô, hạ tầng đầu tư xây dựng phải đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế theo quy định. Tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo, bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật thiết yếu, như: Hệ thống phòng cháy, chữa cháy; hệ thống cấp thoát nước; chiếu sáng; bãi xe; nhà vệ sinh; thu gom xử lý nước thải...
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Võ Văn Hòa yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương tiếp tục tăng cường, xúc tiến mời gọi đầu tư xây dựng chợ và khu dân cư kết hợp chợ. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp cải tạo các chợ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hoặc rà soát bổ sung dự án đầu tư, nâng cấp vào kế hoạch để triển khai thực hiện.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn huyện. Trong đó, chấn chỉnh, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh các chợ trên địa bàn đảm bảo trật tự, mỹ quan, văn minh thương mại; di dời hoặc xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn (nếu có)…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Võ Văn Hòa, năm 2024, huyện tập trung triển khai thực hiện các dự án, công trình đầu tư, nâng cấp chợ. Trong đó, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng mới; rà soát các hạng mục cần thiết để thực hiện nâng cấp, cải tạo chợ Phú Hòa (cũ) nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Bên cạnh đó, cải tạo, sửa chữa các chợ nông thôn trên địa bàn huyện, ưu tiên cho các chợ duy trì, nâng chất tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Chú trọng việc cải tạo, chỉnh trang các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, như: Hệ thống phòng cháy, chữa cháy; hệ thống thoát nước; mái tole, khung nhà lồng chợ…
Đối với các dự án, công trình đầu tư khu dân cư kết hợp chợ, UBND huyện Thoại Sơn yêu cầu ngành chức năng tiếp tục đôn đốc các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024. Cụ thể, như: Khu dân cư chợ Kênh F mở rộng, khu dân cư chợ Kênh H, khu thương mại dịch vụ và dân cư Bắc Cống Vong. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kêu gọi đầu tư 5 dự án khu dân cư kết hợp chợ, gồm: Khu dân cư chợ Tây Cò, khu dân cư chợ Tây Phú mở rộng, khu dân cư chợ Ba Bần, khu dân cư và thương mại Tân Thành, khu đô thị và trung tâm thương mại Óc Eo.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em