Nhìn lại Chỉ số PAPI của An Giang
25/04/2024 14:52
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 của tỉnh An Giang đạt 41,8455 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 9 bậc so năm 2022), nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp; xếp hạng 3/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Mặc dù có những điểm sáng, nhưng vẫn còn có mảng màu chưa sáng ở các lĩnh vực, đặc biệt trong đánh giá của người dân về thủ tục hành chính, mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.
Tăng 9 bậc Chỉ số PAPI
Kết quả này thể hiện sự hài lòng của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trong năm 2023. Tỉnh có 3/8 chỉ số nội dung tăng điểm và 5/8 chỉ số nội dung giảm điểm so năm 2022.
Còn so với Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2023, mặc dù chỉ tiêu của 8 chỉ số nội dung không đạt, nhưng kết quả tổng quan Chỉ số PAPI của tỉnh có sự tiến bộ hơn so năm 2022, phần nào thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp.
Tập trung giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI
3 chỉ số nội dung tăng điểm gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (đạt 6,89 điểm) thuộc nhóm điểm trung bình cao (do Thanh tra tỉnh chủ trì). Kế đến là cung ứng dịch vụ công (đạt 8,05 điểm), thuộc nhóm đạt điểm cao nhất, do Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang, Công ty Điện lực An Giang chủ trì. Thứ 3 là quản trị điện tử (đạt 2,96 điểm) do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố.
5 chỉ số nội dung mất điểm
Tuy nhiên, theo kết quả công bố Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2023, các chỉ số nội dung bị mất điểm, nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công; quản trị điện tử.
Ở chỉ số tham gia người dân ở cơ sở, điểm số giảm 0,11 điểm so năm 2022, vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất; giảm điểm tập trung ở các nội dung thành phần: Tham gia đóng góp ý kiến cho dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng; biết về ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát việc thực hiện dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng ở địa phương (cơ quan chủ trì là UBND cấp huyện).
Cải thiện, nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân
Chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định giảm 0,02 điểm, vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất, tập trung ở các nội dung thành phần: Thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước so với tỷ lệ cho biết thông tin họ nhận được là đáng tin cậy; tỷ lệ người trả lời cho biết danh sách hộ nghèo chưa xác đáng; tỷ lệ người trả lời biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; trả lời cho biết bảng kê thu chi ngân sách ở xã/phường/thị trấn nơi họ cư trú được niêm yết công khai (cơ quan chủ trì là UBND cấp huyện).
Đối với chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân, nội dung thành phần bị giảm 0,10 điểm, vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất: Tiếp cận dịch vụ tư pháp (cơ quan chủ trì Văn phòng UBND tỉnh). Thủ tục hành chính công giảm điểm tập trung ở nội dung thành phần: Chứng thực/xác nhận; thủ tục hành chính cấp xã (cơ quan chủ trì Văn phòng UBND tỉnh). Quản trị điện tử tăng 0,37 điểm so năm 2022, nhưng các nội dung: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử của chính quyền còn rất thấp, là lý do dẫn tới nằm trong nhóm thấp nhất trong nhiều năm liền (cơ quan chủ trì Sở Thông tin và Truyền thông).
Theo Sở Nội vụ An Giang, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc giảm điểm do đơn vị khảo sát tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của PAPI trong năm 2023, như: Đánh giá mức độ công khai ngân sách nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách; đánh giá hiệu quả quản trị của địa phương trong việc công khai thông tin đất đai; đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương trong năm 2023; bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số.
Khắc phục, cải thiện chỉ số giảm điểm
Để nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của tỉnh An Giang thời gian tới, Sở Nội vụ cho biết sẽ chủ động phối hợp các ngành, các cấp tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích, tìm kiếm giải pháp hiệu quả, thiết thực. Cùng với đó là tham vấn chuyên gia về quản trị và hành chính công để duy trì, phát huy những chỉ số nội dung tăng điểm, khắc phục, cải thiện chỉ số nội dung giảm điểm của năm 2023.
Đồng thời, phối hợp UBMTTQVN tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, bám sát các nội dung, Chương trình PAPI của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, MTTQVN và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh An Giang.
Vấn đề then chốt là cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhất là ở cơ sở. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định mới của Nhà nước đến Nhân dân; triển khai hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022...
Tiếp tục tập trung giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PAPI qua từng năm, với mục tiêu cải thiện hiệu quả phục vụ Nhân dân của chính quyền địa phương, nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp để cải thiện điểm cả 8 nội dung đánh giá của PAPI, nâng điểm các chỉ số. Trong đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em