Nhiều hoạt động tưởng niệm nạn nhân Ba Chúc
24/04/2024 17:54
Sáng 24/4, Ban Quản lý di tích cấp quốc gia Khu Di tích lịch sử chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai, nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) tổ chức Lễ khánh thành công viên văn hóa và bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc bị giặc Pol Pot thảm sát năm 1978 (từ ngày 18/4/1978 - 30/4/1978), gắn với Lễ tưởng niệm những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam lần thứ 46 (16/3/1978 - 16/3/2024 âm lịch).
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm (trái) tri ân Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Antraco Quách Kim Long
Lãnh đạo huyện Tri Tôn tặng hoa tri ân đơn vị thiết kế và thi công
Cắt băng khánh thành cụm công viên văn hóa và bia tưởng niệm
Thắp bia tưởng niệm nạn nhân bị thảm sát
Các đại biểu dự lễ tưởng niệm
Trưởng ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Ngọc Trác đánh trống khai lễ tưởng niệm
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang đốt đuốc hồn thiên
Thắp hưởng tưởng niệm nạn nhân
Thắp hương trong nhà mồ Ba Chúc
Nhà mồ Ba Chúc còn lưu giữ 1.159 bộ hài cốt nạn nhân
Cụm công trình công viên văn hóa và bia tưởng niệm được xây dựng tại cầu sắt giữa T6 (gần núi Tượng), nơi diễn ra cuộc thảm sát năm xưa. Cụm công trình, gồm: Công viên văn hóa có tổng kinh phí xây dựng gần 4,77 tỷ đồng, với 3 hạng mục (nâng cấp, mở rộng đường kênh T6, cải tạo kè chống sạt lở kênh T6 và vẽ tranh nghệ thuật); công trình bia tưởng niệm có tổng kinh phí 938 triệu đồng.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, bia tưởng niệm với biểu tượng hoa súng, tượng trưng cho sự thanh khiết, rực rỡ, vươn lên mạnh mẽ trong khó khăn, như người dân vùng đất Ba Chúc kiên cường.
Trong tổng nguồn vốn đầu tư cụm công trình gần 5,71 tỷ đồng, nguồn ngân sách huyện hơn 4,85 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 853 triệu đồng, gồm: Công ty TNHH Liên doanh Antraco tài trợ 798 triệu đồng (tiền mặt 700 triệu đồng và 500m3 đất san lấp), Ban Trị sự Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa hỗ trợ vẽ bức tranh, với tổng kinh phí 55 triệu đồng.
Tại Lễ tưởng niệm những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam lần thứ 46 (16/3/1978 - 16/3/2024 âm lịch), các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ 3.157 nạn nhân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot sát hại, chứng kiến nghi lễ đánh trống khai lễ tưởng niệm, đốt đuốc hồn thiêng, dâng hương tại nhà mồ Ba Chúc - nơi bảo quản 1.159 bộ hài cốt nạn nhân thu gom được.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Phạm Minh Hiền cho biết, năm 1980, quần thể di tích nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau đó, quần thể di tích đã 2 lần được UBND tỉnh An Giang trùng tu, nâng cấp trên khuôn viên rộng 4ha, trong đó khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc được xây dựng hoàn chỉnh năm 2013; hài cốt trưng bày trong nhà mồ được Bảo tàng tỉnh An Giang bảo quản định kỳ để tồn tại lâu dài.
Việc khánh thành cụm công trình công viên văn hóa và bia tưởng niệm, nâng cấp khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc ngay tại vùng đất đồng bào bị bọn diệt chủng Pol Pot sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, vừa là chứng tích tố cáo tội ác diệt chủng, vừa là nơi tưởng nhớ nạn nhân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em