Hoàn thành sứ mệnh một giai đoạn chỉ huy

09/05/2024 15:13

Đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, mở đầu cho nhiều tháng chống chọi cam go, vất vả của toàn thế giới. Là tỉnh có đường biên giới dài (kể cả biên giới đường sông), ngoài việc ngăn chặn dịch bệnh trong nội địa, An Giang còn phải đối phó với đủ loại tình huống, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào biên giới. Ngày 16/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 215/QĐ-UBND, thành lập Ban Chỉ huy thống nhất xử lý các tình huống và phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ huy thống nhất tỉnh).

Sau đó, Ban Chỉ huy thống nhất tỉnh thành lập Tổ giúp việc; xây dựng kế hoạch xử lý tình huống, phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới đường sông. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang phối hợp BĐBP tỉnh Đồng Tháp hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện tăng cường thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch trên khu vực biên giới tiếp giáp 2 tỉnh.

Các lực lượng liên quan bố trí quân số, phương tiện, trang bị kỹ thuật 24/24 giờ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới đường sông, “gác cửa” kịp thời. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện được điều động làm nhiệm vụ đặc biệt này.

“Kể từ tháng 6/2021, trên khu vực sông Tiền và sông Hậu, Ban Chỉ huy thống nhất tỉnh tuyên truyền, ngăn chặn, đẩy đuổi 41 vụ, 107 phương tiện, 257 người có ý định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Cụ thể, trên sông Tiền phía An Giang xảy ra 26 vụ, 62 phương tiện 132 người; trên sông Hậu là 15 vụ, 45 phương tiện, 125 người. Tỉnh An Giang phối hợp Sở Chỉ huy thống nhất tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền, ngăn chặn, đẩy đuổi 12 vụ, 29 phương tiện, 98 người có ý định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam” - đại tá Trần Ngọc Châu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh thông tin.

 

 Khen thưởng tập thể, cá nhân về thành tích xuất sắc trong xử lý các tình huống và phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới

 

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Chỉ huy thống nhất tỉnh nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, bộ, ngành liên quan, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong giải quyết vấn đề người gốc Việt tại Campuchia. Đồng thời, chủ động tham mưu công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với chính quyền và các lực lượng vũ trang Campuchia; đề nghị hỗ trợ mọi điều kiện thuận lợi cho người gốc Việt tại Campuchia có địa vị pháp lý, an tâm sinh sống lâu dài, không nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Suốt mấy năm liên tiếp, dịch bệnh COVID-19 “nóng” trong nội địa thì thời tiết, khí hậu khu vực biên giới đường sông cũng diễn biến thất thường, thường xuyên xuất hiện mưa lớn kèm theo giông lốc. Lòng sông rộng, nước chảy xiết, đặc biệt vào mùa nước lũ, ảnh hưởng lớn đến việc quan sát, tuần tra của lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Nhiều tháng trôi qua, mọi ăn nghỉ, sinh hoạt đều diễn ra trên phương tiện thủy, thiếu thốn đủ bề, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn phát huy tinh thần trách nhiệm, duy trì nghiêm chế độ trực. Việc triển khai, sử dụng lực lượng xử lý tình huống đảm bảo đúng quy trình, quy định; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng của tỉnh Đồng Tháp cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT, điều chỉnh dịch bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Được sự thống nhất của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 29/3/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định 535/QĐ-UBND, giải thể Ban Chỉ huy thống nhất. Sứ mệnh của tổ chức tạm thời này đã hoàn thành trọn vẹn, khép lại những tháng ngày “lịch sử”, “vượt nắng thắng mưa” đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và dòng người xuất, nhập cảnh trái phép.

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm, công bố quyết định giải thể Ban Chỉ huy thống nhất (tháng 4/2024), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng, địa phương. Sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ này tạo nên thành công trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới. Tuy nhiên, giải thể Ban Chỉ huy thống nhất không đồng nghĩa với việc dừng phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới; không thể chủ quan, lơ là trước mọi tình huống. Ngược lại, UBND tỉnh triển khai Kế hoạch 238/KH-UBND, ngày 29/3/2024, sẵn sàng kích hoạt lại Ban Chỉ huy thống nhất khi cần thiết.

“Thời điểm này, BĐBP tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp công an, quân sự nắm chắc diễn biến tình hình ngoại biên, biên giới, trao đổi thống nhất nội dung nhận định, dự báo, đánh giá; báo cáo đề xuất biện pháp xử lý, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời mọi tình huống trên biên giới, không để bị động, bất ngờ.

Đồng thời, phối hợp Lữ đoàn 962 (Quân khu 9), cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Tháp duy trì lực lượng thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, ứng phó, xử lý tình huống trên tuyến biên giới đường sông, địa bàn tiếp giáp 2 tỉnh. Thường xuyên trao đổi với chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu phía Campuchia theo chức năng, nhiệm vụ để nắm tình hình, đề nghị những vấn đề cần thiết, cấp bách trong xử lý tình huống” - đồng chí Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động huy động mọi lực lượng, phương tiện, sẵn sàng chi viện phục vụ công tác này khi có yêu cầu. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng trực thuộc (an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, quản lý xuất, nhập cảnh, giao thông, phòng cháy, chữa cháy; Công an TX. Tân Châu, huyện An Phú) phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác khi nhận chỉ đạo nhiệm vụ từ UBND tỉnh. Sở Ngoại vụ phối hợp cơ quan chức năng Campuchia xử lý vấn đề liên quan biên giới. Cục Hải quan chủ trì, phối hợp các lực lượng tại cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục cho hàng hóa, phương tiện đảm bảo quy trình, quy định. UBND cấp huyện biên giới chỉ đạo công an, quân sự địa phương phối hợp đồn biên phòng đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới