Hạn chế học sinh vùng dân tộc bỏ học
10/05/2024 13:22
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, UBND TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, giúp các em tìm kiếm tương lai bằng con đường học vấn.
Quan tâm vận động học sinh đến lớp
Theo Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Lâm Văn Bá, hạn chế học sinh bỏ học là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương hàng năm. Trên cơ sở đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lập kế hoạch, triển khai đến các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn.
“Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, chúng tôi yêu cầu triển khai biện pháp vận động các em và phụ huynh ngay từ đầu năm học. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, đề cao tinh thần hiếu học, nêu gương vượt khó học tốt, hướng đến mục tiêu xây dựng TX. Tịnh Biên trở thành xã hội học tập. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải đề ra giải pháp phù hợp từng đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, nhằm duy trì sĩ số hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương” - ông Lâm Văn Bá cho biết.
Hiện nay, UBND thị xã phân công cụ thể vai trò, nhiệm vụ của nhà trường, địa phương trong việc phối hợp, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý khi phát hiện trường hợp có nguy cơ bỏ học. Trưởng phòng GD&ĐT TX. Tịnh Biên Lý Thúy Vân thông tin: “Để đảm bảo sĩ số học sinh hàng năm, chúng tôi đề nghị cơ sở giáo dục tuyên truyền để mọi người hiểu được ích lợi của việc học tập, tự giác quan tâm, đưa con em tới lớp. Bên cạnh đó, tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo, hỗ trợ vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, nhất là những em thuộc diện chính sách, đồng bào DTTS Khmer”.
Đơn vị đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, địa phương và gia đình để vận động học sinh ra lớp. Đối với phụ huynh là đồng bào DTTS Khmer, giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống của họ, nhằm tạo sự thân thiện, gắn bó, giúp họ có động lực cho con em tới trường. Mặt khác, cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phân hóa đối tượng, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, xây dựng môi trường học tập thân thiện.
Tạo nhiều sân chơi, hoạt động hấp dẫn cho học sinh
Là đơn vị giáo dục đặc thù, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên có 90% học sinh là đồng bào DTTS Khmer. Để duy trì sĩ số học sinh hàng năm, bên cạnh việc thực hiện đúng, đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh theo quy định, Ban Giám hiệu nhà trường còn thường xuyên yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nâng cao trách nhiệm trong công tác giảng dạy, theo dõi tình hình học sinh.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên Lê Hồ Thảo Trang chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên thăm hỏi gia đình học sinh để nắm bắt tâm tư tình cảm, hoàn cảnh từng em, kịp thời động viên giúp đỡ; vận động phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn cho con em học tập. Chúng tôi tích cực tổ chức hoạt động vui chơi giải trí, thể dục - thể thao, tạo sự vui vẻ để học sinh gắn bó với trường lớp”.
Thời điểm học sinh đồng bào DTTS dễ bỏ học nhất là sau các kỳ nghỉ dài ngày, hoặc dịp lễ, Tết truyền thống của cộng đồng. Phụ huynh có dịp về thăm nhà sau quá trình lao động ngoài tỉnh, thường có xu hướng muốn đưa con em theo cùng. Do đó, nhà trường chủ động thông tin với chính quyền địa phương, kịp thời phối hợp vận động khi phát hiện trường hợp có nguy cơ bỏ học.
Tại xã An Cư, công tác hạn chế tình trạng học sinh bỏ học cũng được Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch UBND xã An Cư Huỳnh Thanh Hải thông tin: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp ban giám hiệu các trường nắm tình hình học sinh đến lớp sau kỳ nghỉ dài ngày. Nếu có học sinh tập trung muộn so với quy định, UBND xã cử cán bộ phụ trách phối hợp đoàn thể, nhà trường đến vận động phụ huynh cho các em tiếp tục đến lớp.
Thông thường, học sinh là đồng bào DTTS Khmer hay có xu hướng bỏ học vì theo cha mẹ đi làm ăn xa, hoặc vào chùa tu theo truyền thống. Khi đó, chúng tôi tích cực vận động để các em được tiếp tục đồng hành cùng con chữ. Bởi lẽ, muốn thoát nghèo và có tương lai ổn định, các em phải được học hành đến nơi đến chốn”.
Với sự quan tâm của Thị ủy, UBND TX. Tịnh Biên, đến cuối học kỳ I năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp tiểu học gần 0,2%, giảm 0,01% so cùng kỳ năm học trước; tỷ lệ bỏ học ở cấp THPT giảm 0,04%. “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục kéo giảm tỷ lệ này, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Muốn thực hiện được, ngoài sự nỗ lực của ngành GD&ĐT, cần có sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, địa phương. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tích cực huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các em, với mục tiêu không để học sinh là đồng bào DTTS Khmer phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Lâm Văn Bá xác định.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân