Gửi lại miền nhung nhớ
10/05/2024 07:13
Khi tôi viết những dòng này, phà Châu Giang đã trở thành quá khứ, thành kỷ niệm lưu luyến của rất nhiều người dân địa phương. Có người vẫn còn thói quen chạy ào xuống phà, rồi lại chưng hửng sực nhớ: Phà nghỉ ngơi rồi. Có người nghe lòng rào rạt, chưa quen mắt mỗi khi nhìn khung cảnh vắng lặng…
Cầu Châu Đốc
Một cụ già 80 tuổi quả quyết, lúc còn nhỏ, bà đã nhìn thấy bến phà, nối liền đôi bờ Tân Châu (có thời điểm mang tên Phú Châu) và Châu Đốc. Tính ra, bến phà tuổi đời trăm năm. Chiếc phà gỗ nhỏ xíu, chông chênh giữa dòng sông Hậu, không thể nào đặt máy móc lên trên, buộc phải nương nhờ sức đẩy của ca-nô. Sau giải phóng, tàu gỗ được thay thế bằng tàu sắt to hơn, hiện đại hơn. Cứ thế, phà Châu Giang ăn sâu vào nếp sinh hoạt, tâm trí người dân như một điều hiển nhiên, khó lòng lay chuyển.
Quê tôi ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu), mấy đời ông bà, họ hàng trải dài dọc theo sông Hậu, theo từng chuyến phà sớm tối. Hễ dừng xe tại bến phà, là lòng nghe nôn nao. Lúc về thì nôn nao sắp đến nhà, lúc đi thì nôn nao nỗi xa quê. Mỗi chuyến phà chỉ mất 15 - 20 phút (kể cả thời gian chờ đợi), vừa đủ dài để hành khách nghỉ ngơi sau thời gian chạy xe, vừa đủ ngắn để họ không kịp sốt ruột. “Qua phà bắc” trở thành thói quen, nhắm mắt lại cũng có thể hình dung ra quãng đường di chuyển trên sông.
Nhưng, thói quen ấy giờ không còn nữa. Mọi người phải tập quên đường về phà Châu Giang, tập làm quen với cầu Châu Đốc, hỏi thăm, định hình hướng di chuyển mới. Cây cầu rộng rãi, thênh thang, uốn lượn qua đôi bờ, nhưng còn quá xa lạ. “Mấy chục năm, tôi đi bộ, rồi chạy xe đạp qua lại phà mua bán. Nghe nói cầu đẹp lắm, tôi kêu mấy đứa nhỏ chở mình đi xem thử. Ừ thì đẹp lắm, nhưng tôi chạy xe đạp lên cầu không nổi, lại phải chở đồ lỉnh kỉnh. Hay là bến phà cứ hoạt động như cũ, cho người mua gánh bán bưng như tôi, cho tụi nhỏ học cấp 3 tiện qua lại” - bà Nguyễn Thị Út (72 tuổi, ngụ xã Châu Phong) băn khoăn.
Ý kiến của bà Út cũng rất đáng lưu tâm. Nhưng điều dễ nhận thấy, cầu Châu Đốc đã “tiếp quản” sứ mệnh của phà Châu Giang một cách xuất sắc. Trước ngày cầu thông xe, phà Châu Giang có doanh thu rất cao, chỉ đứng sau phà An Hòa (nối liền TP. Long Xuyên - huyện Chợ Mới). Cao điểm lễ, Tết, mỗi tháng phà Châu Giang phục vụ trên 16.500 lượt xe gắn máy, gần 1.800 lượt ôtô.
Từ ngày 1/4 đến 22/4/2024, hơn 8.300 lượt phương tiện qua lại, doanh thu gần 100 triệu đồng. Từ ngày 23/4 đến 3/5, lượt phương tiện sụt giảm rõ rệt. Hơn 10 ngày, chỉ khoảng 1.000 lượt phương tiện qua lại. Càng về sau, càng giảm sâu. Những ngày gần dừng phà, chưa đến 150 lượt phương tiện tìm đến. Nếu có đến theo thói quen, họ cũng rời đi. Phà giãn chuyến, giảm thời gian phục vụ, nên thời gian chờ đợi tăng lên. Thôi thì, dẫu muốn trải nghiệm những chuyến phà cuối cách mấy, họ cũng đành bỏ phà, chọn cầu cho kịp công việc của mình.
Tôi thuộc nhóm người còn lại, tranh thủ sắp xếp công việc, từ xa chạy về, đi trên chuyến phà cuối ngày, cuối cùng. Hồi trước, hễ chờ đông người, nhích nhích từng chút xuống phà, tự nhiên bực bội ngang. Giờ, đường xuống phà vẫn vậy, mà sao thấy nó rộng quá, trống trải quá! Phà trăm tấn khi xưa chẳng đủ chỗ đậu xe, phải “xin chỗ”, nhờ xe phía trên nép nép nới lên để xe sau chen vào. Phà 20 tấn bữa nay rộng minh thiên, chẳng ai nỡ giành với ai, đậu ngang đậu dọc tùy thích. Vậy mà, vui hổng nổi!
Những chuyến phà cuối
Tâm trạng mấy chục nhân viên Xí nghiệp phà Châu Giang cũng thế. Ông Đặng Đông Điền rời nơi công tác này, chuyển sang làm Giám đốc Xí nghiệp phà Tân Châu. “Tôi phụ trách phà Châu Giang 3 năm, quản lý hơn 70 nhân viên. Trước ngày phà ngừng hoạt động, nhiều ưu đãi được đưa ra, nhằm giải quyết chế độ chính sách cho nhân viên. Cụ thể, người nào vào làm việc trước năm 2008, nếu đăng ký nghỉ việc thì nhận 1 tháng lương cho mỗi năm công tác. Người nào vào từ năm 2009 đến nay, công ty hỗ trợ 2 tháng thực lãnh. Cuối cùng, 17 người đăng ký nghỉ theo chế độ. Những người còn lại được Công ty Cổ phần Phà An Giang bố trí, phân bổ đều ở các đơn vị trực thuộc (phà Năng Gù, Mương Ranh, Thuận Giang, Trà Ôn…)” - ông Điền cho biết.
Hành trang ông mang đi qua nơi công tác mới, ngoài kinh nghiệm, còn là nỗi niềm bùi ngùi khó tả. Ông kể: “Hôm trên cầu Châu Đốc làm lễ thông xe, đúng 10 giờ, xe chạy ào qua cầu, tự nhiên bến phà buồn hiu hắt. Chúng tôi vẫn biết rằng, quê hương phát triển, cầu thay thế phà là chuyện sớm muộn. Mừng vì địa phương thay da đổi thịt, nhưng cũng khó tránh khỏi nỗi lòng mất mát khi phà ngừng hoạt động. Cũng phải thôi, ai nấy gắn bó với nơi này nhiều năm, làm sao không lưu luyến…”.
Mỗi lần tham dự tiếp xúc cử tri, nơi nào cũng có ý kiến xây dựng cầu để lưu thông thuận tiện, xóa bỏ vị thế “cù lao”, “cách trở đò ngang”. Ngày khởi công xây dựng, khánh thành, thông xe cầu, niềm vui chất chứa đôi bờ. Các cây cầu mới trở thành địa điểm “check-in” được ưa chuộng của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Vui thì vui, nhưng vẫn còn đó tâm lý bịn rịn, níu kéo điều quen thuộc. Rồi sau này, sẽ còn nhiều cây cầu xuất hiện, thay thế nhiều bến phà, tiếp tục sứ mệnh đưa khách qua sông. Những chuyến đò, phà ở miền Tây nói chung, An Giang nói riêng dần vắng bóng, chỉ còn trong ký ức. Cái mới phù hợp hơn xuất hiện, điều cũ kỹ sẽ phải rời đi, gửi lại những miền nhung nhớ…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024