Đừng “bỏ quên” cụm, tuyến dân cư vượt lũ

19/04/2024 13:24

Hơn 20 năm trước, Chính phủ quan tâm triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL, nhằm quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư khu vực thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống, vùng biên giới, hải đảo, ổn định di dân tự do… Tuy nhiên, sau thời gian dài, cụm, tuyến dân cư bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, rất cần được tháo gỡ sớm.

Điểm nhấn nhân văn

Chương trình mang tính chất đặc thù là xây dựng khu dân cư (KDC) đáp ứng nhu cầu “chạy lũ” của người dân vùng ĐBSCL, được kết hợp với kế hoạch nâng cao trình trục giao thông nông thôn. Dần dần, dân cư phát triển theo, tạo thành KDC kết nối tốt với trung tâm xã, huyện.

Một số cụm dân cư trở thành trung tâm phát triển dịch vụ nông thôn, song song với chức năng đảm bảo chỗ trú an toàn cho dân cư mùa lũ. Chính quyền địa phương bớt nỗi lo mùa lũ, không tất bật với hoạt động cứu trợ, không còn cảnh làm việc trong môi trường mất an toàn.

Hiện nay, một số cụm dân cư giúp nâng cao thu nhập cho người dân, khi họ thuận tiện buôn bán, mở dịch vụ thiết yếu, cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Các trục đường được nâng cấp vượt lũ, thông suốt với tuyến giao thông quan trọng ở địa phương, càng tạo nên sự sung túc cho khu vực.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng tốt hơn, khi có môi trường sinh hoạt cộng đồng, điện, nước, sóng truyền hình, điện thoại phủ khắp; con em được đến trường bình thường trong mùa lũ. Sức khỏe được nâng cao rõ rệt, vì tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, điều trị bệnh trong mọi thời tiết…

 

 

Huyện Thoại Sơn từng vinh dự được Bộ Xây dựng khen thưởng về thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2001 - 2007. Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, sự đồng thuận của người dân, huyện hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng 21 cụm dân cư vượt lũ (bao gồm phần bổ sung và mở rộng), hoàn chỉnh công tác cấp bản đồ địa chính, nền cơ bản, xét duyệt, bốc thăm, xây dựng nhà.

“Hơn 3.400 nền (2.550 nền cơ bản, 882 nền linh hoạt), hầu như được bố trí xong. Toàn huyện chỉ còn 10 nền cơ bản và 60 nền linh hoạt còn trống. Trường hợp hộ dân khó khăn về kinh tế, không thể xây dựng nhà ở, sẽ để lại thừa kế cho người thân hoặc chuyển nhượng cho hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn. Đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo chỉ có vợ chồng từ 60 tuổi trở lên, không nơi nương tựa… được Ngân hàng Chính sách Xã hội xóa nợ vay” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Võ Văn Hòa thông tin.

Sau giai đoạn 1 và 2, toàn tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng 247 cụm, tuyến dân cư, kinh phí gần 440 tỷ đồng; tạo lập 51.426 nền (39.795 nền cơ bản), hơn 33.000 hộ dân đã vào ở. Từ chương trình nhân văn này, người dân vùng lũ dần ổn định đời sống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do. Họ được giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo.

Chưa quản lý chặt lô nền

Theo Sở Xây dựng, cơ quan thường trực của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ tỉnh, hiện nay kích thước lô nền thực tế xây dựng bị sai lệch, không đúng kích thước so bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng phân lô được phê duyệt.

Người dân tự xây dựng làm mất mốc ranh, dẫn đến xây dựng nhà không đúng kích thước được phân lô. Các hộ liền kề tự ý chia lô lại, có trường hợp 2 hộ chia thành 3 nền, 1 hộ chia thành 2 nền. Tình trạng người dân lấn chiếm đất mái chân ta-luy, đất dôi dư nằm tiếp giáp chân ta-luy… diễn ra phổ biến. Họ sử dụng làm nhà bếp, nhà kho, nhà kiên cố…

 

 

Một tình trạng khác đang gây vướng mắc là chuyển đổi công năng sử dụng đất không đúng quy hoạch được duyệt. Khi tình hình sạt lở khẩn cấp, một số địa phương bố trí hộ dân vào khu đất công cộng (đất giáo dục, đất công trình công cộng, đất trụ sở…) của cụm, tuyến dân cư mà chưa xin chủ trương của UBND tỉnh.

Hậu quả, các hộ dân này không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); không thể thu tiền sử dụng đất, tôn nền đối với họ. Hoặc một số cụm, tuyến dân cư sử dụng 2 - 3 khu đất công để bố trí cho 1 công trình, lấy thêm lô nền bố trí cho công trình công cộng và ngược lại, nhằm đảm bảo chỉ tiêu xã nông thôn mới, nhưng chưa xin chủ trương điều chỉnh theo hiện trạng.

Ngoài ra, một số cụm, tuyến dân cư đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, nhưng tỷ lệ cấp giấy chưa cao. Phần vì hộ dân đa số có đời sống khó khăn, làm thuê, ít chú ý đến việc làm thủ tục cấp giấy. Phần vì tình trạng mua bán, chuyển nhượng trước 10 năm diễn ra âm thầm, không thông qua cơ quan quản lý nhà nước. Hộ được xét duyệt đã bán nền, nhận tiền đi nơi khác, còn hộ sang nhượng không đủ tính pháp lý để được cấp giấy.

Điển hình như, huyện Châu Phú có 31 cụm, tuyến dân cư vượt lũ; bố trí hơn 6.000 nền. Đến cuối năm 2023, địa phương cấp GCNQSDĐ cho 2.389 hộ gia đình, cá nhân (đạt tỷ lệ gần 42% nền đã bán). Huyện Thoại Sơn 57,5%; huyện Chợ Mới 41,8%. Một số nơi khác, tỷ lệ cấp giấy cao hơn, như huyện Phú Tân (gần 83%), TP. Châu Đốc (76,6%)…

 

Tình trạng xuống cấp hạ tầng diễn ra phổ biến

 

Được xét duyệt vào cụm, tuyến dân cư, nhưng không phải hộ dân nào cũng vào ở. TP. Long Xuyên tạo lập 2.112 nền, xét duyệt 1.231 nền cơ bản, nhưng chỉ 570 hộ vào ở tại thời điểm báo cáo. TX. Tịnh Biên xét duyệt 1.792 nền, số hộ dân vào ở cao hơn (1.697 hộ).

Huyện Tri Tôn xét duyệt 1.910 nền, chỉ 1.717 hộ vào ở… Theo rà soát sơ bộ, các hộ nhận nền, xây nhà xong nhưng không vào ở, lại bỏ trống để đi làm ăn xa. Việc xác định thông tin hộ bán nhà, hộ bỏ địa phương gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn đến từ nơi khác, chính quyền địa phương không nắm rõ.

Xuống cấp hàng loạt

Trở lại thời điểm hàng chục năm trước, do nguồn kinh phí hạn chế, việc xây dựng “chạy lũ”, phần lớn cụm, tuyến dân cư chỉ đầu tư hệ thống cống xử lý nước mặt và đường nội bộ. “Sau thời gian dài sử dụng, các công trình lần lượt xuống cấp (đường nội bộ nhiều “ổ gà”, bong tróc, cống… không thoát nước), gây khó khăn trong quá trình sử dụng, là nguyên nhân ô nhiễm môi trường.

Hầu như chưa có nhà máy xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn hiện hành. Qua nhiều buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, lãnh đạo địa phương, cử tri liên tục đề nghị khắc phục đường nội bộ, hệ thống cống thoát nước trong cụm, tuyến dân cư” - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết.

Cùng với đó, diễn ra nhan nhản tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hẻm thông hành, khu đất công viên - cây xanh… Những nền trống chưa xây nhà ở trở thành nơi bỏ rác vô tội vạ, tạo nên cảnh nhếch nhác không đáng có ở KDC. Mỗi khi đến mùa mưa, một số nơi thoát nước không kịp, trở thành nỗi “ám ảnh”: Vượt lũ nhưng không thể “vượt mưa”. Có ý kiến nhận định rằng, nếu để tình trạng này kéo dài, KDC sẽ biến thành “khu ổ chuột”, khó cứu vãn.

“Có những KDC được xây dựng từ năm 2001, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hộ dân thời điểm ấy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều KDC trở nên “xập xệ”, người dân hứng chịu nhiều bất cập trong quá trình sinh sống, thiếu thiết chế văn hóa. Vì vậy, cần phải rà soát tổng thể hiện trạng cụm, tuyến dân cư vượt lũ toàn tỉnh, nghiên cứu, đề xuất, ban hành chính sách mới, vì mục tiêu cao nhất là khắc phục tồn tại, hạn chế đang diễn ra, giúp người dân sống tốt hơn ở các KDC này” - Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Đức Trung bày tỏ.

 

Một số khu vực thường xuyên bị ứ đọng nước

 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Vệ đề xuất: “Nguồn kinh phí hỗ trợ tái đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm, tuyến dân cư được sử dụng từ nguồn thu bán nền linh hoạt của địa phương (sau khi nộp vào ngân sách theo quy định). Tuy nhiên, việc thu tiền nền trả chậm (nền cơ bản) tại các địa phương rất thấp, không đảm bảo theo chỉ tiêu được giao. Vì vậy, Sở Tài chính sử dụng nguồn thu từ nền linh hoạt để ưu tiên hoàn trả vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam, không còn nguồn tái đầu tư hạ tầng. Để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp huyện từ nguồn ngân sách tỉnh, giai đoạn trung hạn 2026 - 2030, có thể theo hình thức hỗ trợ 50% chi phí xây lắp”.

Thu hồi nợ không dễ

Nhiều địa phương “than trời” vì quá trình thu hồi nợ cực kỳ gian nan, kéo dài, không đạt kế hoạch đề ra. Đa số hộ dân vẫn đang trong diện hộ nghèo, cận nghèo, đi làm ăn xa tại thành phố lớn, để lại người già và trẻ em ở nhà. Họ chỉ trở về địa phương vào dịp lễ, Tết, thời điểm cơ quan nhà nước cũng nghỉ làm. Một số hộ dân có thu nhập ổn định, khá giả nhưng vẫn không chịu trả tiền nhà, tiền nền. Tuy được vận động nhiều lần, nhưng họ vẫn chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm tài chính. Huyện Thoại Sơn “sáng ý”, thu nợ theo mùa vụ, thời điểm người dân có thu nhập. Hiện nay, địa phương chỉ còn phải thu gần 11 tỷ đồng nền cơ bản, trong tổng số hơn 55 tỷ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh, tổng dư nợ của An Giang gần 105 tỷ đồng (vốn Trung ương trên 100 tỷ đồng). Cụ thể, đối với chương trình cho vay trả chậm nhà ở cho hộ dân ĐBSCL và Tây Nguyên (giai đoạn 1), dư nợ đến ngày 31/12/2023 trên 100 tỷ đồng, với 8.211 khách hàng (nợ quá hạn 4,3 tỷ đồng, nợ khoanh 31,7 tỷ đồng).

Chương trình cho vay nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL và Tây Nguyên (giai đoạn 2) dư nợ 1,5 tỷ đồng, với 80 khách hàng; tất cả là 100% nợ trong hạn. Đối với nguồn vốn địa phương (KFW) giai đoạn 2, dư nợ hơn 3 tỷ đồng, với 471 khách hàng (nợ quá hạn 43 triệu đồng, nợ khoanh 2,7 tỷ đồng).

 

 

Nguyên nhân được đưa ra là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng còn hạn chế, dẫn tới nhiều hộ dân chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm trong vay vốn, trả nợ. Tình trạng sang nhượng nhà trái phép, qua nhiều người, người mua có điều kiện nhưng không chịu trả; hoặc khi sang nhượng xong cả người mua lẫn người bán đều đi khỏi nơi cư trú, đi làm ăn xa... Nhiều trường hợp mua bán trái phép, người mua được cấp GCNQSDĐ trước Quyết định 27/2019/QĐ-UBND, ngày 19/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh (quy định quản lý, sử dụng và phát triển cụm, tuyến dân cư sau đầu tư trên địa bàn tỉnh).

Hiện, người vay không còn ở địa phương, người mua không chấp nhận trả nợ. Một số trường hợp hộ vay nhận nền, nhà nhưng không vào ở (hoặc không có nhu cầu ở), đã đề nghị trả lại. UBND cấp xã trình UBND huyện ra quyết định thu hồi cấp lại cho người mới, người mới đồng ý trả nợ. Tuy nhiên, thủ tục đổi tên từ hộ cũ sang hộ mới không thực hiện được, việc thu hồi gặp khó khăn vì hộ mới không chịu trả nợ cho chủ cũ nữa.

“Chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ khi được thụ hưởng chương trình nhà ở trả chậm trên cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

Mặt khác, để tạo điều kiện cho người dân tiếp tục thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Chính sách Xã hội đủ nguồn lực đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục cho chủ trương bổ sung nguồn vốn năm 2025 từ 80 - 100 tỷ đồng.

Như thế sẽ tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, tạo sinh kế ổn định và thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh” - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới