Định hướng phát triển TP. Châu Đốc đến năm 2030
19/04/2024 09:20
Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Châu Đốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh An Giang triển khai kế hoạch thực hiện nhằm xây dựng TP. Châu Đốc trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, mục tiêu của tỉnh là: “Phát triển TP. Châu Đốc theo hướng tăng trưởng xanh; du lịch (DL) là ngành kinh tế chủ đạo, phát triển DL tâm linh gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Xây dựng và phát triển TP. Châu Đốc trở thành đô thị DL thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước miền Tây Nam Bộ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ DL và logistics. Phát triển thành phố trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh với ĐBSCL và Campuchia. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao; an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng tăng; quốc phòng - an ninh được giữ vững”.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, tạo quyết tâm cao của các cấp, ngành và địa phương về nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP. Châu Đốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.
Châu Đốc tiếp tục đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch
Cùng với đó, tỉnh và địa phương tập trung khơi thông, khai thác hiệu quả các nguồn lực để phục vụ yêu cầu phát triển. Trong đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng TP. Châu Đốc. Tập trung thực hiện và triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Châu Đốc đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý đô thị theo pháp luật và theo Quy chế quản lý kiến trúc TP. Châu Đốc; xây dựng và phát triển TP. Châu Đốc theo hướng văn minh, hiện đại, tăng trưởng xanh để phấn đấu đến năm 2030 TP. Châu Đốc đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị loại I. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút các nguồn lực toàn xã hội, tập trung mời gọi đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách địa phương.
Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Võ Chí Trung cho biết, thành phố tiếp tục phát triển DL thành ngành kinh tế chủ đạo của địa phương. Theo đó, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của Châu Đốc về DL tâm linh, DL sinh thái. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về DL trên địa bàn TP. Châu Đốc. Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển DL, trong đó có Khu DL quốc gia núi Sam.
Các ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý các hoạt động kinh doanh lưu trú, kinh doanh lữ hành; kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa - nghệ thuật, thể thao và các dịch vụ khác phục vụ khách DL; chú trọng đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm DL... Phát triển các ứng dụng nằm trong hệ sinh thái DL thông minh nhằm phục vụ nhu cầu khách DL và hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp và du khách. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất, con người, chú trọng xây dựng và phát triển DL xanh, DL có trách nhiệm và thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, Châu Đốc tập trung phát triển thương mại, dịch vụ. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường; đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, đẩy mạnh việc đầu tư, huy động các nguồn lực đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn TP. Châu Đốc. Nghiên cứu chiến lược phát triển, khai thác có hiệu quả tài nguyên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh kết hợp yếu tố lễ hội truyền thống và ẩm thực vùng miền trên địa bàn thành phố.
Phấn đấu đến năm 2025, Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Giữ vững quốc phòng - an ninh; bảo đảm ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp để tăng cường tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em