Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

09/04/2024 17:08

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương, đơn vị xác định công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định cải cách TTHC là một trong những khâu đột phá và triển khai nhiều giải pháp thực thi hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, UBND tỉnh triển khai quyết liệt nội dung, nhiệm vụ về hoạt động kiểm soát TTHC; cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và công tác truyền thông về kiểm soát TTHC. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà. Kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp (DN) của cán bộ, công chức, viên chức.

 

Hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

 

Việc công bố, công khai TTHC được tỉnh thực hiện đảm bảo đúng theo thời gian quy định. Từ năm 2021 đến quý I/2024, tỉnh đã công bố danh mục TTHC của địa phương 209 quyết định (trong đó, 69 quyết định năm 2021, 39 quyết định năm 2022, 70 quyết định năm 2023 và 31 quyết định trong quý I/2024). Có 1.934 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương (trong đó, 1.930 TTHC do Trung ương quy định, 4 TTHC do địa phương quy định). 22 TTHC nội bộ tỉnh đã ban hành, 8 TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa. Tỷ lệ giải quyết, trả kết quả TTHC cho người dân, DN trên địa bàn tương đối tốt. Cụ thể, năm 2021 đạt 98,66%; năm 2022 đạt 99,89%; năm 2023 đạt 99,23%; quý I/2024 đạt 99,79%. Tỷ lệ giải quyết, trả kết quả TTHC các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, năm 2021 đạt 94,71%; năm 2022 đạt 100%; năm 2023 đạt 100%; quý I/2024 đạt 100%.  Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của tỉnh cải thiện qua từng năm.

UBND tỉnh cho biết, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất trên cơ sở Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa điện tử”. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào ngày 11/12/2022.

Tỉnh cũng thực hiện hoàn thành kết nối liên thông giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với phần mềm, hệ thống quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành, Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Cụ thể là phần mềm chuyên ngành Bộ Tư pháp (phần mềm cấp phiếu lý lịch tư pháp, hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch: Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn); phần mềm chuyên ngành Bộ Tài chính (cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách, Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá); phần mềm chuyên ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam (khai thác cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm xã hội); phần mềm chuyên ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN); phần mềm chuyên ngành Bộ Xây dựng (hệ thống dịch vụ công thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua). Đồng thời, kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an (ngày 11/12/2022); phần mềm chuyên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường (phần mềm VBDLIS); hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc (PayGov). Hệ thống phần mềm dịch vụ công “Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến” tại đường dẫn https://dvcbtxh.molisa.gov.vn/ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực đường bộ với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh theo hướng dẫn tại Công văn 429/TTCNTT-PM của Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải).

 

 

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai có hiệu quả Tổ công nghệ số cộng đồng (với 6.517 thành viên) tại các huyện, thị xã, thành phố. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến tỉnh cung cấp. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thiết lập kênh tuyên truyền cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trên các trang mạng xã hội (Zalo OA, Fanpage Facebook, Youtube…). Lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội và Cổng thông tin điện tử.

Các đơn vị tăng cường truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC dưới nhiều hình thức, như: Đăng tin, bài về hoạt động kiểm soát TTHC; phổ biến kịp thời các nội dung công tác chỉ đạo, điều hành về hoạt động kiểm soát TTHC trên Cổng Thông tin điện tử; tạo file hướng dẫn, tạo tài khoản giúp người dân, hướng dẫn người dân, DN cách nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, liên kết với Cổng dịch vụ công của tỉnh, đăng trên cổng thông tin của cơ quan...

Văn phòng UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền và phát huy hiệu quả trang Fanpage facebook (https://www.facebook.com/thutuchanhchinhAG) và kênh OA Zalo (https://zalo.me/tthcag) về TTHC để tuyên truyền các chủ trương, quy định mới về TTHC. Tỉnh cũng triển khai hệ thống trả lời tự động (Chatbot) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Qua đó, đã hỗ trợ giải đáp thắc mắc của người dân, DN, liên quan đến các TTHC, dịch vụ công, tạo sự hài lòng của người dân, DN.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới