Chợ Mới phát triển sản phẩm OCOP

23/04/2024 13:54

Huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông sản và thủy sản. Thời gian qua, địa phương phát triển nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.

Với sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự tham gia tích cực của các chủ thể, năm 2023, huyện Chợ Mới có 8 sản phẩm được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên, trong đó 6 sản phẩm chất lượng 3 sao, gồm: Thanh gạo lứt ngũ cốc Nguyệt My (Công ty TNHH TM&DV Nông Phát Đạt, xã Hòa Bình), trà rau đắng (Công ty TNHH MTV Diệp Quang, xã Long Điền B), tương hột Trường Thọ (xã Tấn Mỹ), khô cá lóc (Hộ kinh doanh Kim Loan, xã Long Kiến), sản phẩm dưa lưới (Công ty TNHH Nông phẩm Lộc Trang, thị trấn Hội An), Trà Kim Ngân Hoa (Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên, thị trấn Chợ Mới).

Có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao, gồm: Trà Kim Ngân hoa túi lọc (Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên) và tái phê duyệt kết quả đánh giá sản phẩm bánh hạnh nhân Tiến Anh (Công ty TNHH sản xuất thương mại Tiến Anh, thị trấn Chợ Mới).

Đầu tháng 4/2024, UBND huyện Chợ Mới phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận 6 sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” 3 sao của 6 chủ thể kinh tế, gồm: Muối ớt sấy Trường Lộc (Doanh nghiệp tư nhân Trường Lộc, xã Mỹ Hội Đông); mứt cà na 6 Phước (Hộ kinh doanh cà na Đồng Xúc, xã Nhơn Mỹ); bì sợi Kim Xuyến (Hộ kinh doanh bì sợi Kim Xuyến, thị trấn Hội An); trứng vịt chay (Hộ kinh doanh Thường Lạc, xã Long Điền A); khô cá lóc Thiên Vy (Hộ kinh doanh Thiên Vy, xã Tấn Mỹ) và mứt me Khải Di (Hộ kinh doanh Khải Di, xã Long Giang).

 

Chợ Mới quảng bá sản phẩm OCOP

 

Với 6 sản phẩm vừa được công nhận, nâng tổng số đến nay, huyện Chợ Mới có 14 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (12 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 2 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao). Trong đó, sản phẩm trà Kim Ngân Hoa đạt chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu ĐBSCL năm 2023. Sau khi được công nhận, các sản phẩm được sử dụng tem OCOP trên bao bì, nhãn sản phẩm và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm OCOP. Đây là điều kiện để nâng cao uy tín, chất lượng của sản phẩm và tiêu thụ rộng trên thị trường.

Chị Trần Thị Thu Trang (chủ Cơ sở sản xuất tương hột Trường Thọ, xã Tấn Mỹ) cho biết: “Mong muốn chế biến những loại nước chấm ngon, sạch và an toàn cho người tiêu dùng, nên trong từng công đoạn, cơ sở lựa chọn, chế biến đậu nành nguyên hạt sạch, kết hợp với đường thốt nốt đặc sản vùng Bảy Núi An Giang và muối hạt tinh khiết của biển, tạo nên sản phẩm hạt tương ngon. Hạt tương mềm bùi, độ mặn vừa phải, có vị ngọt béo của đường thốt nốt, không hóa chất, tạo hương vị đặc trưng và sự khác biệt so sản phẩm cùng loại”.

Ông Nguyễn Văn Phước (chủ Hộ kinh doanh cà na Đồng Xúc) cho biết: “Trái cà na không chỉ để hái ăn chơi, mà nay còn mang lại giá trị kinh tế cao. Để làm ra mứt cà na đạt chất lượng thơm ngon, phải trải qua nhiều công đoạn. Sản phẩm phải có màu đỏ tươi tự nhiên, để lâu không xuống màu, đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm. Mỗi tháng, trung bình cơ sở cho ra thị trường khoảng 60kg mứt cà na, được người tiêu dùng đón nhận. Được công nhận đạt chuẩn OCOP, tôi sẽ nâng cấp quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng”.

Các cơ sở phấn khởi khi được chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, hỗ trợ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường... “Được hỗ trợ tham gia nhiều phiên hội chợ, tôi mong khách hàng đặt niềm tin để sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị”- chị Trần Thị Thu Trang (chủ Cơ sở sản xuất tương hột Trường Thọ) chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Lê Trần Minh Hiếu nhấn mạnh: “Chương trình OCOP rất ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới... Phấn đấu năm 2024, huyện Chợ Mới có ít nhất 15 sản phẩm được tham gia đánh giá, phân hạng OCOP”.

Để thực hiện đạt mục tiêu, UBND huyện Chợ Mới đề nghị, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành, địa phương khuyến khích chủ thể, tổ chức kinh tế tham gia Đề án OCOP - An Giang; đổi mới, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Rà soát các sản phẩm đặc trưng của huyện để tham gia Chương trình OCOP; duy trì điều kiện sản xuất của các chủ thể kinh tế và chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, thị trường để sản phẩm phát triển.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới