Cào cá đêm trên sông Hậu
10/05/2024 09:14
Khi màn đêm buông tĩnh mịch, cũng là lúc ngư phủ lầm lũi mưu sinh bằng nghề cào cá trên sông Hậu. Quanh năm, họ lấy ghe làm nhà, trăng sao làm bầu bạn, xuôi ngược đó đây theo con nước châu thổ Cửu Long.
Lấy đêm làm ngày
Nhập nhoạng, ông Sáu Diệp (57 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) nổ máy dầu xịt khói xé tan màn đêm cô liêu. Chiếc ghe cào rời bến, lừ đừ rẽ nước oàm oạp. Sáu Diệp cố nói át tiếng máy, luyên thuyên với chúng tôi cho đỡ buồn trong đêm. Ông bày tỏ, hiện nay dòng nước sông Hậu chảy hiền hòa hơn trước lắm rồi.
Mùa này, nước ngày càng lưng sông. Con cá, con tép ít dần. Những năm trước, sông Hậu là nơi trú ẩn của vô số loài cá ngon, như: Cá hô, cá bông lau, cá thu, cá leo, cá trèn bầu… Cào một đoạn, dính nhiều đến nỗi ăn không hết. Giờ đây, cào tới cào lui một khúc sông 5 - 7km mới bắt được vài ký cá. “Chiến lợi phẩm” thu được chủ yếu là cá linh, cá dảnh, cá chốt, cá lòng tong, cá lưỡi trâu, cua, tép…
Tính đến nay, Sáu Diệp gắn bó với nghề “hạ bạc” ngót nghét 30 năm. Ngày trước, ông từng theo cha mưu sinh bằng nghề chài lưới khắp sông sâu, nước chảy xiết. Sau này, ông mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng sắm chiếc ghe cào gắn máy dầu, rong ruổi trên sông bắt cá. Quanh năm, dòng sông Hậu bao dung biết bao phận đời ngư phủ, trong đó có gia đình ông.
Có kinh nghiệm cào cá trên sông, ông rất rành khúc sông sâu, cạn, chỗ có nhiều cá, tôm. Vừa tới khu vực nước sâu, Sáu Diệp ngoặt tay lái, bẻ mũi ghe cào xuôi dòng nước, rồi thả túi lưới sâu xuống đáy sông. “Chỗ này, cá còn nhiều” - Sáu Diệp quả quyết. Sau khi buông sợi dây dài hơn 50m, Sáu Diệp cho chiếc ghe chạy chầm chậm theo dòng nước thu gom cá.
Lâu nay, ông luôn đầu tư mua sắm loại ngư cụ mắt lưới rất thưa, chủ yếu khai thác cá lớn, tuyệt đối không sử dụng xung điện theo kiểu hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Ông bày tỏ: “Làm nghề bà cậu phải biết bảo vệ nguồn cá trời ban. Nếu như ai cũng ý thức thì nguồn thủy sản trên sông Hậu nhiều lắm chú em ơi! Thời chưa có xuyệt điện, mỗi khi “cực ăn”, chỉ cần đem chiếc chài quăng, cá dính đầy túi lưới, ăn không hết phải mang ra chợ bán. Hồi đó, cá lòng tong, cá thiểu, cá sát lên ngớp đầy sông. Mỗi lần dính trúng đàn cá sát thì xem như bỏ chiếc chài, vì không ai gỡ cá nổi. Còn bây giờ, loài cá này ngày càng ít dần. Chúng tôi cào mỗi đêm chỉ dính chừng hơn 1kg”.
Theo quan sát, đoạn sông này rộng, vắng lặng. Sở dĩ cá trú ẩn nhiều là do dưới đáy sông tồn tại vô số hố sâu. “Thường nơi nào sâu thì còn cá bự sinh sống, tránh lưới rê của ngư dân” - Sáu Diệp giải thích. Chiếc ghe cào của ông chạy bì bạch kéo túi lưới vượt qua chỗ sâu. Nhiều lúc cán cào vướng phải vực, ghì chiếc ghe dựng ngược lại. “Nếu không biết ý lách qua những đoạn sông này, ghe cào dễ bị lật chìm. Do đó, muốn cào được chỗ sâu phải lái cho thật khéo” - Sáu Diệp trần tình. Khi vừa qua hết đoạn này thì tới đoạn khác, chiếc ghe cứ bị ghì xuống, nổi lên. Nhiều bận như vậy, túi lưới chịu không nổi sức vướng, bị đứt ngang dưới dòng nước.
Điều khiển ghe cào
Niềm vui trong đêm
Chiếc ghe cào vừa đến gần đuôi cồn, Sáu Diệp điều khiển cần trục kéo mành lưới lên. Phải mất hơn 15 phút xoay trở, ông cùng anh Hải kéo được túi lưới lên khỏi mặt nước. Sau thời gian “vật lộn”, Sáu Diệp thu được “chiến lợi phẩm” khá nhiều. Một túi cá lộn xộn được xả ra trên ghe, trông đã mắt. Có đi theo ngư dân trong đêm, mới thấy hết được cái nghề lắm cơ cực này. Sáu Diệp nói rằng, hôm nay trời mát mẻ, cá di cư nhiều nên thu hoạch khá.
Lựa xong mẻ cá đổ vào khoang, Sáu Diệp tiếp tục nổ máy giong ghe chạy lên đầu cồn, rồi thả lưới. Hành trình cào đêm cứ lặng lẽ trên sông cho tới mờ sáng, ông mới mang cá ra chợ bán. Nhờ nghề này, ông có thêm thu nhập lúc nhàn hạ. “Cào cá đêm có đồng vô, đồng ra, trang trải cuộc sống gia đình. Nhà không ruộng rẫy, nhờ nghề cào cá mà tôi nuôi con vào đại học” - Sáu Diệp khoe.
Từ lâu, dòng Mekong hiền hòa đã ban tặng “mỏ cá” cho dân làm nghề “hạ bạc”. Quanh năm, châu thổ Cửu Long soi bóng biết bao phận đời ngư phủ mưu sinh. Ông Nguyễn Văn Đấu (59 tuổi, một ngư phủ chuyên sống bằng nghề cào cá đêm) cho hay: "Mùa nắng nóng, con cá, con tôm sống sâu dưới tầng đáy nước. Đêm xuống, chúng ngoi lên sống tầng giữa hoặc tầng mặt nước. Do đó, cào cá vào ban đêm sẽ thu hoạch được nhiều hơn. Nhiều khi trúng mánh dính cá to, như: Cá sửu, cá kết, cá mè vinh, cá dảnh, tôm… Còn hôm nào thất thì dính cá phèn, cá lưỡi trâu, tép, cá hú”.
Túi cá được kéo lên sau thời gian cào trên sông
Càng về đêm, khung cảnh như chìm vào u buồn, tịch tĩnh. Ngoài xa, những chiếc đèn của ngư dân thả lưới nhấp nháy, uốn lượn trên mặt sông đầy mộng mị. Hỏi ngư dân mới biết đó là loại đèn báo hiệu cho ghe, xuồng lưu thông ngang qua tránh giàn lưới rê. Hiện nay, đang vào mùa giăng lưới cá đêm trên sông, nên ngư phủ tranh nhau thả lưới. Ông Đấu nói rằng, rơi vào con nước 25 (âm lịch) hàng tháng, cá sửu, cá cóc xuất hiện nhiều. “Cào cá cần né giàn lưới của ngư dân. Sống nghề bà cậu phải biết chia sẻ nhường nhau vùng nước mưu sinh” - ông Đấu trần tình.
Quanh năm, họ lang bạt trên sông tìm “mỏ cá”. Ông Diệp, ông Đấu, những người sống bằng nghề “bà cậu” hơn 30 năm, mỗi khi nhìn dòng nước sông Hậu là biết thời điểm nào cá di cư nhiều. Người ta ví von, họ y như “thầy bói cá" trên sông. Dường như vùng châu thổ Cửu Long, nơi nào họ cũng từng có mặt để khai thác cá, tôm. “Khi thì lên tận Vĩnh Xương, xuống Vàm Nao, tạt ngang sông Hậu, xuôi về Cần Thơ, rồi qua Vĩnh Long, Trà Vinh. Trong chuyến đi xa, chúng tôi đều ước vọng cào dính được nhiều cá, đồng nghĩa với kiếm được nhiều tiền” - ông Diệp cười khục khặc.
Thông thường, khi sang tỉnh khác, nhóm ngư dân rủ nhau đi khoảng 5 chiếc ghe cào. Đêm xuống, họ chia nhau từng đoạn sông để cào cá. Trong chuyến đi xa, họ đem theo dụng cụ nấu cơm, kho cá trên ghe. Chừng nào đuối sức thì tấp ghe vào bến chợ, tranh thủ ngả lưng thiêm thiếp giấc nồng. Còn các bà, các chị thì lỉnh kỉnh bưng thau cá lên chợ bán.
Mờ sáng, những chợ ven sông chộn rộn tiếng cười nói của phận đời ngư phủ. Cá, tôm nhảy xoi xói, ngư dân quên đi nỗi nhọc nhằn sau một đêm “cày” trên sông.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024