Bông ô môi …
22/03/2024 07:27
Mùa nắng đến, cũng là lúc những loài hoa đồng, cỏ nội ở miền Tây bung nở, với vẻ đẹp đơn sơ mà rực rỡ, đặc biệt là bông ô môi. Màu hoa mộc mạc giúp cho cảnh sắc vùng đất 2 mùa mưa nắng nhuốm chút mộng mơ, dù sức nóng chan chát đang thiêu đốt những cánh đồng vào mùa gặt.
Theo những con đường trải dài dưới cái nắng ban trưa, tôi đi tìm bóng dáng cây ô môi, loài cây đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, vì đang mùa nở rộ. Dọc theo Đường tỉnh 941 thẳng hướng huyện Tri Tôn, tôi bất ngờ với mùa bông ô môi ở đây. Vẫn khung cảnh quê bình dị, với con đường giao thông nằm cạnh dòng kênh, đã thấy thấp thoáng những tán ô môi đang vào mùa bông rộ nở.
Đã nhiều lần đến tận xứ đầu nguồn An Phú tìm mùa bông ô môi, tôi chợt nhận ra nơi này chẳng hề thua kém. Dưới bến nước xa xa, bóng những cây ô môi hùng vĩ, mang trên cành chi chít những bông, nhuộm hồng đôi mắt những ai yêu thích loài hoa đồng nội nhưng mang vẻ đẹp mộng mơ này.
Bắt chuyện với lão nông Trần Văn Ót, mới biết xứ Vĩnh An (huyện Châu Thành) ngày trước cũng ngút ngàn ô môi. Theo thời gian, người ta phải dành đất cho hoạt động kinh tế khác, ô môi cũng thưa thớt hẳn. Được cái, cặp theo mé kênh vẫn còn những cây ô môi lớn. Tới mùa nắng, chúng trổ bông rực cả bến quê.
“Cây ô môi giờ được người ta chú ý vì bông đẹp, chứ giá trị kinh tế không cao. Người quê nhiều lần muốn bỏ đi, nhưng còn tiếc nên cứ để đó. Với những cây cặp theo mé nước, chúng tốt tươi, bông trổ nhiều, lại tươi màu. Năm nào trời càng hạn, bông càng đẹp! Nhiều gia đình ở quê cũng không nỡ đốn, cứ để cho ô môi sống giữ đất bờ kênh. Dân quê mà, cái gì ở cạnh lâu thì tự nhiên gắn bó, bỏ không đành” - ông Ót thiệt tình.
Theo lời kể của ông, cây ô môi ở phía bên kia bờ kênh chắc cũng hơn 40 năm tuổi. Đám con nít ngày trước hay leo lên hái trái, rồi từ đó nhảy ùm xuống kênh tắm mát. Lớp con nít mà ông kể, giờ cũng đã hơn 30 tuổi đời, nhiều đứa bỏ lại quê đi tìm kiếm tương lai. Cây ô môi vẫn còn đó, mỗi năm dâng cho đời một mùa bông tươi đẹp, một mùa trái chân chất để người nào thích thì bẻ xuống ăn chơi…
Chia tay lão nông vui tính, tôi tiếp tục thẳng đường về xứ núi Tri Tôn. Thi thoảng, vẫn thấy những tán ô môi lặng lẽ trổ bông giữa nắng trưa oi ả. Chẳng còn nhớ rõ mình biết cây ô môi từ lúc nào, chỉ mang máng nhớ hồi đầu còn hớt tóc húi cua, tháng nắng đi thả diều là rủ nhau bẻ trái ô môi ăn chơi. Chẳng dễ dàng gì để có miếng thịt trái ô môi cho vào miệng.
Loại trái quê ấy cứng như cây, phải dùng dao rựa rọc xuống 2 bên thân trái mới tách ra được phần thịt đen đen bên trong. Đứa háo ăn, cắn vội là chảy máu răng, bởi thịt trái ô môi khá cứng, nhưng thơm lừng. Ăn một lát, cả đám như vừa đi nhuộm răng, nhìn nhau cười ha hả…
Bây giờ, tôi vẫn thấy những trái ô môi bày bán ở ven đường và hay mua về một ít để thưởng thức vị ngọt dân dã ngày xưa. Sau những món quà bánh ê hề thời hiện đại, được nếm lại mùi vị ô môi, khiến lòng người cảm thấy thân thương đến lạ!
Trong xã hội hiện đại, người ta chỉ biết đến ô môi như loài hoa dân dã. Rồi cái danh xưng “hoa đào miền Tây” cũng được gán cho bông ô môi. Những bông hoa nhỏ xíu, phơn phớt hồng mang vẻ đẹp chân chất như cô gái quê. Có những cây ô môi bông nhiều đến mức không còn lá, hệt như đóa hoa khổng lồ “thắp lửa” trên quãng đồng xa.
Bởi gắn chặt cuộc đời với miền quê, nên ô môi cũng trở thành nhân chứng cho những mối tình thôn dã. Bông ô môi đi vào âm nhạc như một lẽ tự nhiên, mà giai điệu cũng chân chất như chính nơi chúng sinh ra: “Bông ô môi, rơi đầy trước ngõ/Bao kỷ niệm về tiềm thức trong tim…”.
Ngày tôi lớn lên, chợt nhận ra ô môi tự khi nào đã trở thành nỗi nhớ của những kẻ xa quê. Nếu làng quê miền Bắc với hình ảnh cây đa - giếng nước - mái đình đã trở thành biểu tượng, thì cây ô môi - bến nước ven sông cũng trở thành một phần của miền Tây, nhắc nhớ những người con đi xa đừng lãng quên miền ký ức. Với những bạn trẻ thời hiện đại, họ yêu thích mùa bông ô môi bởi vẻ đẹp rực rỡ và săn tìm chúng để có những tấm ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội.
Với vẻ đẹp rất riêng, người ta đã trồng ô môi trở lại với mong muốn mang cái sắc hồng dân dã làm đẹp cho đời. Riêng cánh nhiếp ảnh cũng không thể bỏ qua những mùa bông ô môi rực rỡ. Họ cất công, đội nắng, đội gió đi tìm bông ô môi, để lưu lại khoảnh khắc đẹp nhất trong năm của loài cây dân dã này.
Để rồi, bất chợt lúc nào đó, nhìn thấy cánh ô môi hồng tươi trong nắng sẽ nhoẻn miệng cười, khi những ký ức đẹp bên gốc ô môi từ thuở thiếu thời chợt ùa về trong đôi mắt mênh mông…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em