An Giang hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
28/03/2024 17:37
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh An Giang thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939), với nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh (SXKD) hiệu quả. Cán bộ hội năng động, sáng tạo trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phù hợp nhu cầu, điều kiện của địa phương, góp phần phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến cho biết: “Bám sát chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ phối hợp tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 939 cấp tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện lồng ghép các hoạt động của Đề án 939 với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị”.
Năm qua, hội LHPN các cấp tích cực tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh do phụ nữ thực hiện. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) nữ làm chủ, như: Kỹ năng quản lý, điều hành DN; kỹ năng bán hàng online và kiến thức nhận diện thương hiệu, hướng dẫn quy trình đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; kiến thức an toàn thực phẩm, văn minh thương mại cho các tiểu thương tại chợ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì tiến tới xuất khẩu xuyên biên giới; chuyển đổi số trong hoạt động SXKD.
Tham quan các gian hàng tại Ngày hội “Phụ nữ An Giang khởi nghiệp”
Bên cạnh đó, tư vấn, hỗ trợ cho các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có tiềm năng để giúp các chị nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường, phát triển SXKD nhằm tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Đồng thời, kết nối nguồn lực hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các dự án, đề án mới, các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương hướng đến sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Năm qua, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập mới 2 HTX và 51 THT có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, góp phần giải quyết lao động cho phụ nữ ở địa phương.
Ngoài việc hỗ trợ phụ nữ trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế, hội LHPN các cấp trong tỉnh còn tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng cách tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Năm qua, hội LHPN các cấp hỗ trợ kiến thức và giới thiệu tiếp cận vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh An Giang, các ngân hàng thương mại cổ phần, vốn các tổ chức tín dụng, vốn nhàn rỗi của hội viên cho hơn 350 chị vay, với số tiền trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phối hợp các ngành chức năng tổ chức 151 lớp dạy nghề, với trên 3.830 học viên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 23.000 lao động. Qua đó, có 2.870 học viên có việc làm ổn định sau khi học nghề (tỷ lệ 75%); gần 20.000 lao động nữ có việc làm tại các DN, cơ sở SXKD, dịch vụ trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến nhấn mạnh: “Năm 2024, Hội LHPN tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển SXKD; hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tại cơ sở SXKD thiết thực, có hiệu quả thông qua việc thực hiện “Đề án khảo sát và giải pháp chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa tỉnh An Giang”. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ các dự án, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có tiềm năng để hoàn thiện, phát triển sản phẩm và tạo việc làm cho lao động nữ; đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng”.
Hội LHPN các cấp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạng lưới, xúc tiến thương mại, kết nối nguồn lực hỗ trợ các DN, HTX, THT, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương và những sản phẩm có tiềm năng đạt chuẩn OCOP.
Tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, THT, HTX, DN, cơ sở SXKD do nữ làm chủ mới thành lập có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất được tiếp cận tín dụng ưu đãi, để phát triển SXKD, khởi nghiệp. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển SXKD.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em