An Giang hành động vì mục tiêu tăng trưởng xanh

06/04/2024 15:04

Tăng trưởng xanh vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Đặc biệt, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng, đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, góp phần thực hiện chống biến đổi khí hậu.

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế

Xác định tăng trưởng xanh góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Là tỉnh nông nghiệp, thế mạnh chủ lực xuất khẩu gạo, thủy sản, rau quả, những năm gần đây, An Giang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Trong đó, ngành nông nghiệp tỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính. Đơn cử rau quả An Giang được Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) xuất khẩu sang các nước, kể cả các thị trường khó tính.

Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ: “Hiện nay, Antesco đã thiết lập được thị trường xuất khẩu ổn định tại Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Antesco đang nằm "Tốp 1" trong xuất khẩu về nông sản đông lạnh, với các mặt hàng, như: Bắp non, đậu nành rau, xoài, thanh long. Đây là 4 mặt hàng đang dẫn đầu xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Antesco cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan về đậu nành rau, bắp non và xoài ở thị trường Nam Mỹ”.

 

Chế biến rau quả xuất khẩu

 

Các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xanh hóa sản xuất; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh, hiện đại.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phù hợp Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về trồng trọt, An Giang định hướng phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái; tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Đồng thời, tham gia có hiệu quả Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL của Bộ NN&PTNT. Qua đó, nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường.

 

Xuất khẩu trái cây

 

“Để thúc đẩy xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, ngành nông nghiệp tỉnh đã nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp và đổi mới từ tư duy "sản xuất nông nghiệp” sang "kinh tế nông nghiệp” để vượt qua khó khăn, thách thức. Chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu.

Nổi bật là ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất tại các vùng chuyên canh trọng điểm gắn kết với nhà đầu tư lớn. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...”- ông Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

Đầu năm 2024, Sở NN&PTNT phối hợp huyện Chợ Mới tổ chức lễ công bố xuất khẩu xoài hạt lép sang thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc 20 tấn. Phối hợp huyện An Phú tổ chức lễ công bố xuất khẩu 18 tấn xoài keo sang Hàn Quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh: “An Giang là một trong những tỉnh đứng đầu vùng ĐBSCL về sản xuất rau màu hàng hóa và hoa quả các loại. Xoài là cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, được An Giang định hướng chuyển đổi mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, diện tích trồng xoài toàn tỉnh đạt trên 12.600ha, sản lượng hơn 225.000 tấn/năm.

Chợ Mới là huyện có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh với 6.400ha, chiếm hơn 50% diện tích xoài cả tỉnh. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đến nay, diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Chợ Mới đạt 704ha, với 41 mã số vùng trồng trên diện tích gần 6.200ha, đã xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc”.

 

 

Bên cạnh phát triển sản xuất theo hướng "xanh", An Giang tiếp tục xây dựng NTM thành những “miền quê đáng sống”. Đến nay, tỉnh có 76/110 xã NTM (chiếm hơn 69% tổng số xã), 34/76 xã NTM nâng cao (đạt 44,73%), 2/24 xã NTM kiểu mẫu (đạt 5,8%), 3/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Quá trình xây dựng NTM tỉnh gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

“Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Chợ Mới phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Qua đó, tác động tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong Nhân dân, tích cực hưởng ứng đề án xây dựng cầu, đường, nhà, hoa do Huyện ủy phát động. Bên cạnh đó, nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập” - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng chia sẻ.

Hành động quyết liệt hơn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030, An Giang xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh và quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các tương lai.

 

Sản xuất nông nghiệp xanh, hướng đến phát triển bền vững

 

“Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Để góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Theo đó, để giảm cường độ phát thải khí nhà kính, tỉnh phấn đấu sử dụng hiệu quả năng lượng. Tập trung nông nghiệp thông minh để giảm phát thải qua các biện pháp, như: Ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng áp dụng các công nghệ trong trồng trọt. Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có và nhân rộng các mô hình nông lâm quản lý rừng bền vững (bảo vệ rừng và trồng rừng). Quản lý chất thải và ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp.

 

 

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, như: Tiếp tục xây dựng NTM; quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; đa số người dân trong tỉnh được sử dụng nước sạch…

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh tiến hành xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong đó, tích hợp tăng trưởng xanh vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các ngành, lĩnh vực phù hợp tình hình thực tiễn. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất và đa dạng sinh học; đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước quốc gia; tăng cường bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

 

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành vi, đạo đức về thực hành sản xuất, tiêu dùng, lối sống xanh. Bên cạnh đó, triển khai nội dung tăng trưởng xanh vào các hoạt động giáo dục, đào tạo ở các cấp học. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị điều hành về tăng trưởng xanh. Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh. Thúc đẩy tăng trưởng xanh dựa trên đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát triển hệ thống giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng logistics theo hướng xanh đảm bảo tính đồng bộ với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Ứng dụng các công nghệ xử lý, tái chế chất thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất và thu hồi năng lượng nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí; nâng cao năng lực quan trắc, giám sát chất lượng không khí…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới