An Giang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, công trình trọng điểm

06/04/2024 13:02

An Giang được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa phận tỉnh An Giang (Km0+000 đến Km57+200), từ tuyến tránh Quốc lộ 91 (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ), với chiều dài 57,2 km, có tổng mức đầu tư được duyệt 13.526 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành Trung ương, cùng sự quyết tâm của tỉnh, trong thời gian ngắn, tỉnh đã thực hiện tốt và hoàn thành các thủ tục xây dựng theo quy định, đảm bảo triển khai thi công công trình theo kế hoạch.

Theo UBND tỉnh An Giang, Dự án thành phần 1 được chia thành 4 gói thầu xây lắp chính, đều được khởi công theo kế hoạch. Hiện, chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan và nhà thầu thi công, thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình, nhằm phấn đấu hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng trong thời gian sớm nhất. Đến nay, tổng tiến độ triển khai thi công Dự án thành phần 1 (của cả 4 gói thầu xây lắp) đạt được 9,71/9,19% tiến độ theo kế hoạch.

 

 

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường 1.555/1.555 hộ (An Giang 1.530/1.530 hộ; TP. Cần Thơ 25/25 hộ) với số tiền 1.724 tỷ đồng (trong đó, An Giang 1.715 tỷ đồng; TP. Cần Thơ 9 tỷ đồng). Đã chi tiền bồi thường được 1.505/1.555 hộ (An Giang 1.480/1.530 hộ; TP. Cần Thơ 25/25 hộ) với số tiền 1.651/1.724 tỷ đồng (trong đó, An Giang 1.642/1.715 tỷ đồng; TP. Cần Thơ 9/9 tỷ đồng).

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp An Giang, đối với công tác xây dựng khu tái định cư, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công ngày 12/3/2024, đã tổ chức bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho các đơn vị liên quan.

Các đơn vị đang khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, để sớm triển khai thi công và hoàn thành theo kế hoạch, bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới.

Đồng thời, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 9 ngày 28/2, An Giang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục, đã cấp “Bản xác nhận” thu hồi khoáng sản cho các nhà thầu thi công cao tốc với tổng khối lượng cát đã xác định nguồn cung cấp và xác nhận thu hồi khoáng sản là 5.925.130/9.321.000m3.

Tỉnh đang giao các ngành chức năng khẩn trương rà soát để tiếp tục bố trí xác nhận đối với phần khối lượng còn lại theo nhu cầu của dự án (3.395.870m3 cát). Hiện nay, nhà thầu và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định, tiến hành tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản cung cấp vật liệu cho dự án.

Theo UBND tỉnh An Giang, đến thời điểm hiện tại, các khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu cát san lắp nền đường về cơ bản đã được tháo gỡ. Tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng thời một số công việc, như: Thi công các cầu, cống trên tuyến, thi công các cấu kiện bê-tông đúc sẵn…

Đồng thời, khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để sớm khai thác khoáng sản, cung cấp vật liệu đối với phần khối lượng đã cấp “Bản xác nhận” thu hồi khoáng sản, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành và đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch để tổ chức kiểm soát và quản lý chặt chẽ quá trình khai thác vật liệu cát để san lấp nền đường của dự án. Qua đó, nhằm đảm bảo chất lượng, đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Thiếu nguồn vật liệu cát

Về tình hình bố trí, xác nhận thu hồi khoáng sản cát sông để phục vụ thi công các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL, An Giang thống nhất việc cung cấp nguồn cát phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang, khối lượng 9,321 triệu m3; đoạn đi qua địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang khối lượng 7,5 triệu m3; Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khối lượng 7 triệu m3.

Theo đó, đối với Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tổng khối lượng cát đã xác định nguồn cung cấp và xác nhận thu hồi khoáng sản hơn 6,8 triệu m3.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 175/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang ưu tiên bố trí ngay cát đắp cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo đề nghị của Bộ GTVT với khối lượng 7 triệu m3. Như vậy, còn thiếu khoảng 194.265 m3 cát chưa cân đối, bố trí được.

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang tổng khối lượng cát đã xác định nguồn cung cấp và xác nhận thu hồi khoáng sản hơn 5,9 triệu m3 từ nguồn của 2 khu mỏ mở mới. Còn thiếu so với nhu cầu hơn 1,5 triệu m3 cát. Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang, tổng khối lượng cát đã xác định nguồn cung cấp và xác nhận thu hồi khoáng sản hơn 5,9 triệu m3, còn thiếu so nhu cầu gần 3,4 triệu m3 cát.

UBND tỉnh An Giang đã tranh thủ các nguồn vật liệu cát sông để phân bổ cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Tỉnh cũng bố trí các khu vực mỏ mở mới để hỗ trợ cho Dự án thành phần 2 (địa bàn TP. Cần Thơ) và Dự án thành phần 3 (địa bàn tỉnh Hậu Giang) thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuy nhiên, đối với Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang hiện nay vẫn còn thiếu khoảng 3,4 triệu m3 cát, nhưng chưa thể cân đối, bố trí.

Do đó, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP, ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Qua đó, để làm cơ sở thực hiện các dự án, thu hồi nguồn vật liệu cát sông, thông qua hoạt động nạo vét, nhằm bổ sung nguồn cát đang thiếu hụt, để cung cấp cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới