Việt Nam, Bangladesh thúc đẩy xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới
28/03/2025 13:18
Diễn đàn Xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam-Bangladesh diễn ra vào ngày 25/3 tại Thủ đô Dhaka, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường (thứ ba, trái) và lãnh đạo các cơ quan hữu quan hai nước. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương, ngày 25/3, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Bộ Công Thương Việt Nam, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bangladesh, đã tổ chức thành công “Diễn đàn Xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam-Bangladesh.”
Sự kiện diễn ra tại Thủ đô Dhaka với sự tham dự của hơn 100 đại biểu từ Việt Nam và Bangladesh.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có ông Nguyễn Mạnh Cường, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bangladesh, lãnh đạo Vụ Thị trường nước ngoài, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Việt Nam, lãnh đạo Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bangladesh cùng với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử “E-Cab” Bangladesh.
Diễn đàn thực sự là cầu nối quan trọng cho hơn 12 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực thương mại điện tử, nông sản và phân bón, kết cấu thép… kết nối với hơn 90 doanh nghiệp Bangladesh.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tiềm năng hợp tác thương mại đáng kể giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bangladesh là thị trường với quy mô dân số lớn (trên 170 triệu người), có nền tảng công nghệ phát triển và lực lượng lao động trẻ, hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong hơn 50 năm qua tiếp tục phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu thực chất; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ và thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Ông đề nghị các doanh nghiệp hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác để tận dụng những cơ hội mới trong thị trường toàn cầu.
Trao đổi tại diễn đàn, các đại biểu hai bên đều nhất trí Việt Nam và Bangladesh còn rất nhiều tiềm năng dư địa bổ sung cho nhau như Việt Nam cung cấp gạo, cà phê, tiêu, nông sản (gừng, hành, tỏi), vật liệu xây dựng cho Bangladesh; Bangladesh có thể cung cấp sản phẩm dược, nguyên liệu dược, đay... cho Việt Nam. Trong đó, thương mại điện tử có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương giữa hai bên, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhân dịp này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ của mình và mong muốn phát triển hợp tác kinh doanh với thị trường Bangladesh.
Đây không chỉ là dịp để quảng bá sản phẩm và dịch vụ mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ đối tác, tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó phát triển các mô hình kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững của cả hai nền kinh tế.
Kết thúc diễn đàn, doanh nghiệp hai bên đã có phiên giao thương sôi nổi, hiệu quả. Nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cung ứng nông sản đã được ký kết.
Diễn đàn Xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam-Bangladesh năm 2025 đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước trong tương lai./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thu hút 419 triệu USD từ các khu công nghiệp tại Hải Dương
Trung Quốc hé lộ C949, máy bay thương mại tốc độ gần 2000km mỗi giờ
Giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào
Củng cố vị thế điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI
Từ Việt Nam ra thế giới – Kệ trung tải chất lượng chinh phục thị trường lớn
Phần mềm tính tiền Vietbill miễn phí hàng đầu tại phanmemtinhtienvietbill.com
Đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống
Xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam là "đúng đắn và hoàn toàn phù hợp"
Kết nối các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam tại Canada
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc Việt Nam