Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc Việt Nam
29/03/2025 17:09
Tại Hội nghị Xây dựng Trung tâm Tài chính diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cam kết xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế với bản sắc riêng, tận dụng lợi thế về kinh tế, xã hội, chính trị.
Các diễn giả tham gia thảo luận về các sáng kiến đột phá trong việc phát triển Trung tâm tài chính Việt Nam. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam do Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 28/3.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hội nghị này là sự kiện tiếp nối mang tính chuyên sâu trong chuỗi hoạt động thúc đẩy thu hút đầu tư và huy động vốn quốc tế do Bộ Tài chính chủ trì; thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam hiện đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính nhằm mục tiêu thiết lập khung hành lang pháp lý mở, minh bạch, có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời chuẩn bị các điều kiện nền tảng để phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Theo đó, định hướng lớn xuyên suốt của Việt Nam là tiếp tục mở cửa mạnh mẽ lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các định chế tài chính quốc tế hoạt động hiệu quả, minh bạch, công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế.
Triển khai rõ ràng lộ trình hình thành Trung tâm tài chính tại Việt Nam vào năm 2035, kết nối tương hỗ chặt chẽ với các trung tâm tài chính quốc tế lớn trong khu vực và trên thế giới, hướng đến hình thành mạng lưới tài chính liên kết, không cạnh tranh trực tiếp.
Bên cạnh đó, thúc đẩy thử nghiệm các cơ chế tài chính tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tài chính, đặc biệt là fintech, blockchain, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh tài chính xanh, khuyến khích các sản phẩm bền vững, các quỹ đầu tư theo chuẩn thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tiêu chuẩn môi trường-xã hội-quản trị (ESG).
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu là Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, các định chế tài chính và các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Mặt khác, tăng cường kết nối với các trung tâm tài chính để phát triển nhân lực chất lượng cao, hợp tác đào tạo và nâng cao quản trị tài chính theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, đảm bảo ổn định thị trường tài chính, quản lý rủi ro và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đây là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm xây dựng môi trường đầu tư an toàn và bền vững tại các trung tâm tài chính.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là bài toán khó và chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, với những lợi thế sẵn có như vị trí chiến lược ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; múi giờ khác biệt với 21 Trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này, Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ.
“Chúng tôi cam kết xây dựng một mô hình mở, minh bạch, hiện đại và thân thiện với nhà đầu tư quốc tế; đồng thời đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Được, Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính-thương mại toàn cầu.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng Trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh hiện nay. Đồng thời cần tận dụng thế mạnh của Việt Nam khi xây dựng Trung tâm tài chính như sự phát triển kinh tế, vị trí địa chính trị, kim ngạch thương mại tăng trưởng hàng năm...
Nói về bản sắc của Trung tâm Tài chính ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, xã hội và địa chính trị.
Khác với mô hình truyền thống, Việt Nam sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay như fintech, blockchain, tài chính xanh... trong mô hình này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, là cơ hội để Việt Nam phát triển các loại hình tài chính đặc thù “trade finance.”
Các bài viết cùng chuyên mục
Chứng khoán châu Á chứng kiến một phiên ‘bán tháo’ lan rộng
Giá lợn hơi tăng cao, người nuôi tích cực tái đàn đáp ứng nguồn cung
Giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 3.100 USD một ounce
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động
Giá vàng miếng và nhẫn cùng tăng mạnh, lên sát 102 triệu đồng mỗi lượng
Giá vàng nhiều triển vọng tăng tiếp trong trung và dài hạn
Thu hút 419 triệu USD từ các khu công nghiệp tại Hải Dương
Trung Quốc hé lộ C949, máy bay thương mại tốc độ gần 2000km mỗi giờ
Giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào
Củng cố vị thế điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI