Tăng cường giám sát y tế đến từng hộ gia đình

19/11/2021 11:08

Chiều 18/11, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. 

 

Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, con số thống kê người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố được công bố đang thấp hơn thực tế. Tỷ lệ F0 đang gia tăng nên thành phố yêu cầu ngành y tế và các địa phương phải có giải pháp kéo giảm, trong đó ý thức người dân hết sức quan trọng, mỗi người dân phải là một chiến sỹ. 

Đề cập đến vấn đề điều trị COVID-19 ngay từ đầu, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi phát hiện F0 là phải có thuốc, bên cạnh việc phải tiêm vaccine. Có thể tính toán đến phương án xã hội hóa thuốc điều trị để người dân tiếp cận dễ dàng giống như khi mua thuốc trị cảm cúm thông thường, đồng thời cần rút ngắn thời gian điều trị F0. Có như vậy mới an tâm trong trạng thái "bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt". 

“Phải có lực lượng tại chỗ để lo cứu tại chỗ, có thuốc uống tại chỗ trước. Cùng với đó, cần kích hoạt hệ thống y tế công tư, quân dân y, điều trị đông tây y kết hợp nhằm mục đích cuối cùng là người dân khi có bệnh được tiếp cận test, thuốc điều trị, oxy, phương pháp điều trị một cách nhanh nhất, kịp thời nhất”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ. 

Chú thích ảnh

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. 

 

Ghi nhận những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho rằng: TP Hồ Chí Minh sẽ là hình mẫu cả nước về sự phòng, chống và thích ứng với dịch COVID-19. Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, những chỗ nào thành phố cho hoạt động trở lại phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, nhất là tại các chợ truyền thống. Đặc biệt, thành phố cần tăng cường giám sát y tế từng hộ gia đình, lưu ý đến người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có người cao tuổi không thể tiêm vaccine, trẻ em dưới 12 tuổi trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Từ đó, nắm cụ thể những người chưa tiêm vaccine, người có bệnh nền, người già… để phân công tới từng trạm y tế, tổ phản ứng nhanh để kết nối với mạng lưới thầy thuốc thành phố. 

“Bên cạnh đó, cần khôi phục lại hệ thống y tế tư nhân, kết hợp mô hình quân y - dân y ngay từ đầu. Cần làm tổng thể để người dân và doanh nghiệp không ai có động cơ, muốn giấu nếu bị F0, để các F0 mong muốn được xét nghiệm, điều trị cứu chữa chứ không phải sợ cách ly, sợ điều trị, sợ dừng sản xuất… đến mức giấu bệnh”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý.  

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/11 thành phố thí điểm cho phép hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh ăn uống có cồn tại Quận 7 và thành phố Thủ Đức. Thực tế đến nay chưa phát hiện ca lây nhiễm tại các điểm kinh doanh này. Riêng tại Quận 7, qua 15 ngày thí điểm cho thấy, thu ngân sách trên địa bàn Quận 7 cao hơn 1 quý trước đó. Trên cơ sở này thành phố tiếp tục thí điểm cho hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh ăn uống theo nguyên tắc nơi nào an toàn thì được bán, an toàn tới đâu mở đến tới đó và cho kéo dài thời gian hoạt động đến 22h thay vì 21h như trước. 

Theo Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, từ 1 tuần trở lại đây số ca F0 trên địa bàn tăng trở lại, trong đó có tăng số ca nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, trong đó tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm chiếm tới 56,5%. Để tiếp tục phòng, chống hiệu quả COVID-19, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thành phố kiến nghị Trung ương bổ sung thuốc điều trị Molnupiravir đáp ứng nhu cầu điều trị F0 tại nhà, thí điểm rút ngắn thời gian cách ly điều trị đối với F0 không có triệu chứng, đã tiêm vaccine và có kết quả âm tính đồng thời duy trì, bổ sung các trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách trên địa bàn thành phố. 

Chú thích ảnh

Quang cảnh buổi làm việc. 

 

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện cấp độ dịch của thành phố đang là cấp độ 2. Tính đến nay, số ca mới mắc COVID-19 do Bộ Y tế công bố trên địa bàn thành phố là 450.359 người, trong đó có 265.334 người xuất viện, 17.263 trường hợp tử vong. Tính đến ngày 16/11, thành phố đã thực hiện tiêm 13.869.153 liều vaccine bao gồm 7.864.014 mũi 1 và 6.005.139 mũi 2; trong đó có 668.260 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi; đối với người trên 50 tuổi cơ bản đã tiêm phủ xong mũi 1 và mũi 2 đạt 97,1%. 

Về công tác chăm sóc và quản lý F0, Sở Y tế thành phố đã ban hành các hướng dẫn về quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cộng đồng, tại cơ sở y tế và tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; đã thiết lập 264 trạm y tế lưu động, cung cấp trên 292.000 túi thuốc đến các trung tâm y tế. 

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hiện nay tại Khu Công nghệ cao đã có khoảng 45.000 lao động trở lại làm việc, dự kiến đến cuối tháng 11/2021, các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao sẽ khôi phục hoạt động 100%. Tại Khu chế xuất và công nghiệp đã có 1.355 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 96% so với số lượng doanh nghiệp hoạt động khi chưa có dịch). Hầu hết các doanh nghiệp đã kết thúc thực hiện phương án “3 tại chỗ” mà thay thế phương thức sản xuất an toàn. Hiện nay, các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi với các tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động với số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới