Tìm giải pháp kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

24/04/2024 17:40

Gánh nặng bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là mối quan tâm của ngành y tế trong lĩnh vực hô hấp.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia thảo luận về các phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện nay. 
 

Tại Hội thảo khoa học “Chìa khóa cho bộ 3 mục tiêu trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam”, do Hội Phổi Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức, GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch hội Hô hấp Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam vẫn còn nhiều bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trải qua đợt cấp và triệu chứng. Do vậy, bác sĩ cần nhận diện sớm các bệnh nhân có nguy cơ cao dựa vào tiền sử đợt cấp và triệu chứng để từ đó có những lựa chọn giúp bệnh nhân tiếp cận với các liệu pháp tiên tiến và hiệu quả".

Theo đó, việc tìm các giải pháp mới tiên tiến, giúp giải quyết những khoảng trống trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hướng đến nâng cao hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng cho bệnh nhân, là rất cần thiết.

Trên toàn cầu, ước tính có 392 triệu ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; có 3/4 trong số đó là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, với khoảng 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là mối quan tâm của ngành y tế trong lĩnh vực hô hấp. Tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người dân là khoảng 4,2% dân số từ 40 tuổi trở lên; 46% bệnh nhân từng có đợt cấp trước đó, và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ tịch hội Phổi Việt Nam, trong điều trị, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính luôn là nỗi lo lắng không chỉ với bệnh nhân mà cả với các bác sĩ. Chiến lược điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là cá thể hóa với mục tiêu chung giảm triệu chứng, giảm nguy cơ đợt cấp và giảm tỷ lệ tử vong. Vì vậy, việc có các giải pháp điều trị mới và đẩy mạnh tiếp cận cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại các phòng quản lý ngoại trú sẽ giúp hệ thống y tế cơ sở quản lý bệnh nhân tốt hơn, nhờ đó có thể giảm đợt cấp nhập viện và giảm tải y tế tuyến trên.

Về những gánh nặng và những vấn đề chưa giải quyết được với các liệu pháp điều trị hiện tại của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc biệt là việc giảm tử vong, theo đại diện GOLD 2023 (The Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease – Ủy ban Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), liệu pháp bộ ba đóng ICS/LABA/LAMA trong 1 dụng cụ hít được khuyến cáo và chứng minh giảm tử vong do mọi nguyên nhân so với bộ đôi LABA/LAMA trước đây.

Theo đó, công nghệ tiên tiến Aerosphere giúp các hoạt chất phân phối thuốc hiệu quả và ổn định hơn tới toàn bộ phổi; từ đó, giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm đáng kể đợt cấp trung bình nặng so với các liệu pháp điều trị bộ đôi ICS/LABA và LABA/LAMA, đồng thời nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 49% so với liệu pháp bộ đôi LABA/LAMA.

Các chuyên gia cũng nhận định, liệu pháp “bộ ba đóng” là một trong những bước tiến quan trọng, giúp tăng tuân thủ của bệnh nhân và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị.

Liệu pháp mới này chứa 3 thành phần rất quen thuộc đã được sử dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ trước tới nay tại Việt Nam; sẽ giúp các chuyên gia y tế có thêm lựa chọn trong điều trị cho bệnh nhân.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới