Nguyện noi gương tinh thần cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng

17/10/2024 11:09

Đoàn viên các cơ quan đã làm lễ dâng hương, hoa, ôn lại truyền thống lịch sử về Anh hùng Lý Tự Trọng; nguyện noi gương tinh thần cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng phấn đấu hết mình, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày 16/10, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024), Đoàn Thanh niên cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp Đoàn Thanh niên cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, Đoàn Thanh niên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương Anh hùng Lý Tự Trọng tại Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, quận Tây Hồ TP Hà Nội; thăm quan Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam.

Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên các cơ quan đã làm lễ dâng hương, hoa; ôn lại truyền thống lịch sử về Anh hùng Lý Tự Trọng - người đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đoàn viên các cơ quan đã làm lễ dâng hương, hoa, ôn lại truyền thống lịch sử về Anh hùng Lý Tự Trọng - người đoàn viên đầu tiên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Ảnh: Tuấn Hùng

Lý Tự Trọng (1914-1931) tên thật là Lê Hữu Trọng, quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng quê hương Hà Tĩnh đã góp phần bồi đắp cho người thanh niên lòng yêu quê hương, đất nước; thấu hiểu được nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, đã hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước của đồng chí Lý Tự Trọng.

Năm 1926, Lê Hữu Trọng được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và được Bác Hồ đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”. Tại đây, anh được Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy – tên bí mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ).

Đến giữa năm 1929, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh là một trong 8 đoàn viên đầu tiên được kết nạp vào Đoàn. Đồng thời anh được giao nhiệm vụ đặc biệt: vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản trong nước.

Ngày 9/2/1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm khởi nghĩa Yên Bái được tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ cụ Phan Bội Châu đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Tuy nhiên, anh đã bị bắt giam vào khám lớn Sài Gòn và bị tra tấn rất dã man nhưng không hề nói ra bất cứ thông tin nào. Không thu được kết quả gì, chính quyền thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình vào ngày 20/11/1931 và tuyên bố Lý Tự Trọng bị kết án tử hình vào khi mới 17 tuổi.

Đứng trước cái chết, Lý Tự trọng không hề run sợ, anh đã biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lòng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành nên “hành động thiếu suy nghĩ”, nhưng anh gạt phắt đi và đã dõng dạc nói: “Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”…

Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, đồng thời câu nói của anh đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Hình ảnh và chí khí của người thanh niên Lý tự Trọng đã trở thành biểu tượng hết sức thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên thanh niên; trở thành lý tưởng sống để thôi thúc bao lớp thanh niên Việt Nam giữ vững niềm tin, bản lĩnh, tích cực học tập, lao động, sáng tạo để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Noi gương tinh thần cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng, tuổi trẻ cả nước nói chung, đoàn viên các cơ quan nói riêng  nêu cao tinh thần xung kích, trách nhiệm, kiên định lý tưởng sống cao đẹp, quyết tâm thực hiện lý tưởng ấy bằng hành động cụ thể, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tác phong, sống nghị lực, nhân ái, trách nhiệm, có văn hóa, vì cộng đồng; đặc biệt, bằng khát vọng và ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần và thành công chung của cơ quan, đơn vị mình.

Tham quan bảo tàng, các đoàn viên, thanh niên được nghe giới thiệu về truyền thống lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Ảnh: Tuấn Hùng
Tham quan bảo tàng, các đoàn viên, thanh niên được nghe giới thiệu về các kỳ Đại hội Đoàn, các phong trào thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc -  Ảnh: Minh Chính
và những tấm gương đoàn viên tiêu biểu trong các giai đoạn cách mạng của đất nước… - Ảnh: Minh Chính
Đoàn viên các đơn vị tìm hiểu về lịch sử tổ chức Đoàn, các hiện vật, kỷ vật tại bảo tàng - Ảnh: Tuấn Hùng
Đoàn viên các đơn vị tìm hiểu về lịch sử tổ chức Đoàn bảo tàng - Ảnh: Minh Chính

Trong chương trình, Đoàn Thanh niên các cơ đơn vị đã đến thăm quan Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam; các đoàn viên, thanh niên đã được nghe giới thiệu về truyền thống lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các kỳ Đại hội Đoàn, các phong trào thanh niên và những tấm gương đoàn viên tiêu biểu trong các giai đoạn cách mạng của đất nước… Qua đó nhằm khích lệ tinh thần, ý chí quyết tâm hơn nữa của mỗi bạn trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng tổ chức Đoàn./.

 
Phạm Cường
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới