Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

23/11/2024 08:04

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các ý kiến tham luận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí cũng như những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao.

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị "Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc".

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Thái Minh)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng của Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số. Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã có bài viết quan trọng, mang tầm chiến lược: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia được nêu rõ trong nhiều Nghị quyết và văn kiện Đại hội Đảng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thái Minh) 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cũng cho biết, thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh đã ký Quyết định số 50/QĐ-HĐGBCQG ngày 21/6/2024 về việc Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi).

Từ năm 2024, Điều lệ Giải đã có nhiều điểm mới, đặc biệt là 2 nhóm giải mới là Giải báo chí đa phương tiện và Giải báo chí sáng tạo. Sản phẩm báo chí đa phương tiện gồm những tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác…

Việc bổ sung nêu trên đã thể hiện chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông.

Đề cập đến báo chí chất lượng cao, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, là cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều thành công tốt đẹp trong việc hỗ trợ các nhà báo và nền báo chí Việt Nam phát triển.

Quá trình thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải Báo chí quốc gia và giải báo chí của các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A, B, C) của Giải Báo chí quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các ý kiến tham luận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí cũng như những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao. Đồng thời kiến nghị giải pháp thiết thực nhằm triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày các ý kiến tham luận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. (Ảnh: HL)  

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, tháng 11/2023, Báo Kinh tế và Đô thị chính thức nâng cấp hệ thống quản trị nội dung để tiến thẳng lên hiện đại. Đến tháng 11/2024, chỉ một hệ thống CMS, Báo Kinh tế và Đô thị đã xuất bản cả báo in, báo điện tử và các chuyên trang điện tử với hệ sinh thái 9 sản phẩm báo chí.

Theo Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, để thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến nhân viên, Báo thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn các phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn làm báo chí hiện đại. Sau mỗi khóa đào tạo, tiến hành đánh giá, tổ chức cuộc thi. Xây dựng nền tảng số mạnh mẽ qua phát triển website, ứng dụng di động, mạng xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận và tương tác với độc giả; ứng dụng AI để tự động hóa một số công việc, phân tích dữ liệu, tạo ra nội dung sáng tạo.

Để tăng hiệu lực, hiệu quả báo chí với sự phát triển Thủ đô, Báo Kinh tế và Đô thị đã đổi mới nội dung và hình thức; ứng dụng công nghệ; tăng cường tương tác với độc giả; xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp; duy trì các chương trình truyền thông, cuộc thi viết...

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, nhà báo hiện nay có quá nhiều "vũ khí" để kể lại câu chuyện của mình. Đó là kể chuyện bằng hình ảnh, video, graphic và dữ liệu. Việc tạo ra các sản phẩm đa phương tiện cũng rất dễ dàng thông qua các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo ra một sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí đa phương tiện, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nêu rõ, mỗi khi triển khai một tuyến đề tài đặc biệt, đừng suy nghĩ mình sẽ làm bao nhiêu chữ, bao nhiêu kỳ, thể loại gì (phản ánh hay phóng sự). Hãy nghĩ về những thể loại mới, kèm theo nhiều yếu tố đa phương tiện, kể chuyện bằng ảnh, video hay đồ họa, dữ liệu... Cùng với đó, nâng cao trải nghiệm cho độc giả cũng chính là nâng cao giá trị cho bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên. Học kỹ năng mới chưa bao giờ là quá muộn.

Từ kinh nghiệm của Báo Nhân Dân, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng ban Nhân Dân điện tử cho rằng: Việc triển khai tác phẩm, sản phẩm sáng tạo được đơn vị thực hiện theo từng bước: Xây dựng ý tưởng sáng tạo; lập kế hoạch, phân nhiệm nhóm dự án; triển khai các dự án thành phần; hoàn thiện, ghép nối các hạng mục; tổ chức truyền thông đa nền tảng. Theo đó, việc phân công nhân sự được tổ chức theo nhóm dự án kết hợp nhiều đơn vị; chia nhỏ các dự án thành phần; ưu tiên nhân sự có tư duy đa phương tiện, đa nền tảng; khuyến khích đổi mới. Về công nghệ, đơn vị ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới; hợp tác với các công ty công nghệ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đối với tài chính và truyền thông, báo sử dụng hiệu quả ngân sách; xã hội hóa; chú trọng quảng bá trên mạng xã hội.../.

 
Huy Lê
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới