Năm Rồng đến thăm Đền Rồng
14/02/2024 10:31
Trong dòng chảy văn hoá Việt Nam, hình tượng rồng luôn gắn liền với những điều thiêng liêng, cao quý nhất. Thật hữu duyên khi trên mảnh đất xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá có một quần thể di tích lịch sử linh thiêng, phong cảnh hữu tình đền Rồng - đền Nước.
Với địa thế “hậu tựa sơn, tiền đạp thủy”, toạ lạc trên ngôi làng cổ Nghĩa Đụng, nơi có dấu ấn văn hoá đặc sắc của người Mường, Đền Rồng là một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp nằm tựa lưng vào dãy núi Rồng sừng sững với rừng cây rậm rạp xanh um. Ngôi đền cổ linh thiêng soi bóng xuống con suối trước mặt, nước suối xanh trong vắt, quanh năm nước đầy ăm ắp và tĩnh lặng như một cái giếng nên đoạn suối trước đền Rồng được người dân đặt tên gọi là giếng Tiên. Đền Rồng là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, hay Mẫu Đệ Nhị, cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Tên gọi Đền Rồng là do ngôi đền tọa lạc ở vị trí ngay sát chân núi Rồng.
Toàn cảnh Đền Rồng ở thế “Hậu tựa sơn, tiền đạp thuỷ” linh thiêng và thơ mộng |
Cách Đền Rồng khoảng 500m, theo con đường uốn quanh men suối Khe Năn mềm mại như một dải lụa, sẽ đưa du khách đến ngôi Đền Nước - nơi thờ Mẫu Thoải. Tại đây, còn có hang nước dưới chân núi Rồng, quanh năm không cạn. Nước suối trong xanh như ngọc nhìn sâu tận đáy và luôn mát lành, xung quanh núi non điệp trùng, cây cối xanh tươi mát mẻ, chim chóc hoan ca, cảm giác như ta đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Từ trong hang nước, từng đàn cá hàng nghìn con nối đuôi nhau bơi ra tung tăng mỗi khi có du khách tới thưởng ngoạn. Người dân địa phương tin rằng, đây là loài cá thần trời ban vì chúng sinh sôi rất nhanh và khoẻ mạnh, lại thân thiện với con người, vì thế vẫn thường gọi là hang cá thần
Đền Nước nằm bên sườn núi, soi bóng xuống dòng suối Khe Năn xanh mát quanh năm |
Khi trao đổi với chúng tôi về lịch sử khởi dựng Đền Rồng - Đền Nước, ông Bùi Văn Kình, Ban quản lý di tích cho biết: Theo sử liệu và các cụ cao niên trong làng kể lại, lịch sử khởi dựng đền Rồng - đền Nước gắn liền với quá trình người Mường từ Hòa Bình vào đất Tống Sơn lập ra làng Nghĩa Động (ngày nay gọi là Nghĩa Đụng) từ khoảng đầu thế kỷ XV. Người Mường khi đến đây đã cùng nhau khai hoang lập làng, săn bắn, làm nương để mưu sinh… Dọc theo suối Khe Năn, người Mường lại lên tận cửa hang để “dẫn” nước về làng. Tổ tiên xưa tin rằng, để việc vào rừng săn thú được bình an, lên khe suối xin được nước ngọt mát lành, mùa màng tốt tươi là do có sự phù trợ của thần Rừng, thần Nước. Bởi vậy, người Mường ở Nghĩa Đụng vô cùng tôn kính thần Rừng, thần Nước. Họ tin rằng sự thành tâm của con người sẽ được các vị thần thấu tỏ. Thuở ban đầu, người xưa cắm các que (hương) vào kẽ đá để bày tỏ lòng kính ngưỡng đến thần Rừng (Chúa Thượng Ngàn) và thần Nước (Mẫu Thoải).
Nghi lễ đánh cồng chiêng của người Mường bên bờ suối Khe Năn |
Đến thời Lê Trung hưng, cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Tứ phủ) của người Việt, thì Đền Rồng - Đền Nước chính thức được các triều đại phong kiến ban sắc phong xây dựng. Ngày nay, ngoài thờ Chúa Thượng Ngàn và Mẫu Thoải thì di tích Đền Rồng - Đền Nước còn thờ Đệ nhất thánh Mẫu Liễu Hạnh và phối thờ các vị thần thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu.
Theo truyền thuyết, các vị thánh Mẫu được thờ trong hai ngôi đền ngoài vai trò trông coi cai quản rừng núi, sông biển thì các vị nữ Thánh còn có công cứu giúp các vị tướng lĩnh và nhà vua đi chinh chiến dẹp giặc. Tương truyền vào những năm chống quân Minh xâm lược, các vị Thánh Mẫu đã nhiều lần báo mộng cho nghĩa quân Lam Sơn cùng chủ soái Lê Lợi thoát được hiểm nghèo khi bị quân địch vây giáp và báo mộng để Lê Lợi ra kế sách tiêu diệt quân xâm lược. Với công trạng đó, nhà Lê đã ban 05 đạo sắc phong cho Đền Rồng.
Nghi lễ đánh cồng chiêng của người Mường bên bờ suối Khe Năn |
Để tưởng nhớ công ơn của thần Rừng, thần Nước và Thánh Mẫu, hàng năm, vào ngày 24-2 (âm lịch), lễ hội truyền thống tại di tích đền Rồng - đền Nước thu hút đông đảo người dân, du khách xa gần về đây dâng hương, vãn cảnh. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống như đánh cồng chiêng, hát chầu văn và đặc biệt là rước kiệu từ đền Rồng đến đền Nước để “xin” nước về đền Rồng thờ quanh năm. Người dân địa phương tin rằng, việc “xin” nước về thờ tại đền Rồng sẽ mang lại may mắn, bình an cho dân làng. Bên cạnh lễ hội lớn diễn ra vào tháng 2, người dân Nghĩa Đụng bao đời nay cũng không quên lễ kỷ niệm ngày người xưa khơi nguồn dẫn nước từ hang suối Khe Năn về trung tâm làng (tháng 4 âm lịch).
Là người con sinh ra và lớn lên tại làng Nghĩa Đụng, ông Bùi Văn Kình tự hào cho biết: “Di tích và lễ hội tại Đền Rồng - Đền Nước là di sản văn hóa mà cha ông xưa trong hành trình khai hoang lập làng, dựng xây cuộc sống đã để lại cho hậu thế hôm nay, đó là những di sản quý giá mang đậm nét đẹp văn hóa Mường cổ xưa, góp phần xây dựng và gìn giữ giá trị văn hoá của dân tộc Việt. Việc tổ chức lễ hội Đền Rồng - Đền Nước hàng năm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh những anh hùng vì nước, vì dân"./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Bức tường đất chùa Bổ Đà - kiến trúc dân gian hòa quyện con người và thiên nhiên
Tác dụng của quả chuối 'đặc biệt' nhất Việt Nam
Tuần phim kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
TS. Ngô Phương Lan tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam
Kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số
Hơn 50 đầu sách được lựa chọn tham dự Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Busan
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7