Khai thác liên tuyến giá trị di tích lịch sử triều đại Tây Sơn
25/10/2021 14:32
Đến Bình Định, ngoài du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, việc tìm hiểu giá trị lịch sử về triều đại Tây Sơn cũng rất hấp dẫn du khách. Đáp ứng nhu cầu này, tour liên tuyến du lịch từ bảo tàng Quang Trung (Bình Định) lên khu di tích Tây Sơn thượng đạo (Gia Lai)đã được thiết kế và triển khai thời gian qua, mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Khám phá bảo tàng Quang Trung nơi miền đất võ
Quần thể di tích bảo tàng Quang Trung là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Bình Định. Điểm di tích này cách thành phố Quy Nhơn hơn 42 km, về hướng tây bắc.
Quần thể di tích bảo tàng Quang Trung, gồm hai công trình chính là bảo tàng Quang Trung và đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt.
Bảo tàng nằm tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Bình Định), quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Bảo tàng tọa lạc trong một khuôn viên rộng 150.000 m², bao gồm các hạng mục: nhà trưng bày, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông Tây Nguyên... Đây là một trong những bảo tàng danh nhân lớn nhất và thu hút lượng khách đến tham quan du lịch, học tập nhiều nhất trong cả nước.
Nhà trưng bày của bảo tàng có kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính với hệ thống mái lợp ngói âm dương tráng men mang dáng dấp mái đình, chùa Việt Nam vào thế kỷ 18; lưu giữ hơn 11.000 tư liệu, hiện vật xuyên suốt qua các thời kỳ phát triển của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1788-1792). Phía trước nhà trưng bày là tượng đài Hoàng đế Quang Trung dáng điệu oai phong, lẫm liệt.
Nằm cạnh Nhà trưng bày là Nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn - nơi biểu diễn võ thuật cổ truyền và trống trận Quang Trung phục vụ du khách. Tương truyền, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã có vai trò rất lớn trong việc sáng tạo, phát triển và hoàn thiện các môn võ Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, côn, binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân Tây Sơn.
Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương đưa nhạc trống vào luyện võ nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu của quân lính, tạo thành tác phẩm khí nhạc góp phần vào thắng lợi đánh tan 29 vạn quân Thanh, tiến vào giải phóng thành Thăng Long mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Nhạc trống Tây Sơn còn truyền lại tới ngày nay, với tên gọi trống trận Quang Trung. Dàn trống trận Quang Trung gồm 12 chiếc, tượng trưng cho 12 con giáp.
Điểm nhấn mới tại Bảo tàng Quang Trung là hệ thống tranh 3D hoành tráng về những sự kiện liên quan đến triều đại nhà Tây Sơn như các trận đánh quân Xiêm, quân Mãn Thanh xâm lược… đã được hoàn thành hơn 2 năm nay.
Thăm quần thể di tích bảo tàng Quang Trung, du khách như được ngược dòng lịch sử để chứng kiến tinh thần thượng võ, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của nghĩa quân Tây Sơn, qua đó nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Kết nối với khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo
Từ Bảo tàng Quang Trung đi ngược lên lên khoảng 45 km là đến khu di tích "Tây Sơn thượng đạo", nay thuộc thị xã An Khê và các huyện K’Bang, Đắc Pơ, Kông Ch’ro của tỉnh Gia Lai.
"Tây Sơn thượng đạo" là vùng đất rộng lớn, tương đối bằng phẳng, xung quanh là rừng rậm tạo nên bức tường thành vững chắc.
Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn chọn vùng đất này để lập doanh trại, chiêu mộ quân sĩ và rèn binh. Tại đây, nghĩa quân Tây Sơn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng…
Sau khi xây dựng căn cứ vững chắc, tập hợp binh mã hùng mạnh, năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn tiến quân đánh vùng hạ đạo, giải phóng phủ Quy Nhơn, rồi phủ Quảng Ngãi, sau đó cùng nhân dân đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh vào năm 1789.
Nằm trên tuyến quốc lộ 19 từ thành phố Plei-ku (Gia Lai) đi Quy Nhơn (Bình Định), Khu di tích "Tây Sơn thượng đạo" đang là điểm dừng chân với nhiều du khách trên cung đường này. Khu di tích này đang được tỉnh Gia Lai trùng tu, phục dựng thành điểm tham quan gồm: Khu An Khê trường với tượng và gian thờ Quang Trung – Nguyễn Huệ; An Khê đình (nơi ba anh em Tây Sơn đóng sở chỉ huy thời kỳ đầu khởi nghĩa), bảo tàng "Tây Sơn thượng đạo".
Nằm trong chương trình khai thác liên tuyến du lịch giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, tuyến đường kết nối tìm hiểu giá trị di tích lịch sử triều đại nhà Tây Sơn đã được Hiệp hội du lịch Việt Nam khảo sát tuyến năm 2020.
Bà Cao Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá: Điểm di tích lịch sử triều đại Tây Sơn giúp du khách hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử hào hùng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của hoàng đến Quang Trung.
Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bịnh Đình, Giám đốc Công ty Golden Life Travel: Bảo tàng Quảng Trung và các điểm di tích liên quan luôn nhận được sự quan tâm của du khách. Trên hành trình tour liên tuyến kết nối Bình Đình và Gia Lai, đây là những điểm không thể bỏ qua.
Nhằm khai thác rộng thị trường rộng hơn cho những khách trải nghiệm, trước đó vài năm, Sở Du lịch Bình Định và các tỉnh lân cận đã tổ chức khảo sát tuyến điểm kết nối với thị trường khách Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, đây là điểm cuối của quốc lộ 19. Hình thức liên tuyến này khá phù hợp với loại hình du lịch caravan (xe tự lái), là một loại hình du lịch đang rất được quan tâm.
Các bài viết cùng chuyên mục
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Lan toả giá trị tốt đẹp từ những dự án "Hành động vì cộng đồng"
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia
Vì sao không nên đi bộ hay chạy trên thang cuốn?
Khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dominica
Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số