Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
05/11/2024 13:25
Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Ấn tượng những tác phẩm múa giàu bản sắc
Tác phẩm múa “SESAN” vừa công diễn thành công tại Tuần lễ múa Việt Nam 2024, do Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam tổ chức tại Kon Tum vừa qua đã mang đến cho khán giả một màn biểu diễn mãn nhãn, thăng hoa về nghệ thuật. “SESAN” do biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn. Nhạc sỹ Chinh Ba và các nhạc sỹ, nghệ sỹ đương đại quốc tế Yama Lou Apoukashi (Nhật Bản), Tillman Per Martin Oscar (Thụy Điển) đảm nhận phần âm nhạc.
Vở diễn đã làm nổi bật vẻ đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ cùng những nét văn hóa đặc sắc của vùng rừng núi Tây Nguyên, đồng thời khắc họa sự giao thoa văn hóa cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa sinh sống dọc theo dòng sông Sê San.
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ, tác phẩm múa “SESAN” được dựng theo phương pháp sáng tạo tương tác và ngẫu hứng. Múa đương đại được kết hợp với múa của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm và tương tác với không gian nhà rông Kon Klor. Phương pháp này tôn vinh cảm xúc và sự thăng hoa trong nghệ thuật biểu diễn, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của khán giả trong, ngoài nước.
Trước đó, tác phẩm thơ múa “Nàng Mây” của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường, lấy cảm hứng và chất liệu từ nghề mây tre đan của Việt Nam, đã giành giải Vàng Liên hoan múa quốc tế năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, tại Thừa Thiên - Huế cuối tháng 8/2024.
Vở thơ múa “Nàng Mây” khai thác câu chuyện về làng nghề mây tre đan truyền thống Việt Nam. Với ngôn ngữ múa dân gian kết hợp với múa đương đại, tác phẩm đem đến cho người xem về khung cảnh đời sống văn hóa Việt, vẻ đẹp của sự lao động hăng say tại các làng nghề. Ở đó, có những con người khéo léo, bền bỉ, mộc mạc và không kém phần tài hoa, tinh tế, đang gìn giữ nghề truyền thống.
Theo biên đạo múa Nguyễn Hải Trường, thông qua các tác phẩm múa, anh muốn đưa lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống đến với giới trẻ, thu hút và truyền cảm hứng để họ tìm hiểu và yêu hơn những giá trị của dân tộc…
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm múa đương đại như: Kịch múa “Nguồn sáng” của các Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương, Nguyễn Hồng Phong; kịch múa “Con tạo xoay” của biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh; tổ khúc múa “Đông Hồ” của biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh; vở múa “Nón” của biên đạo múa Ngọc Khải… Các tác phẩm múa ngắn: “Dệt lanh” (Nghệ sỹ Nhân dân Kiều Lê), “Ngô trên đá” (Nguyễn Minh Thông), “Dòng chảy Pa-sí” (Nghệ sỹ Nhân dân Đỗ Văn Hiền)… cũng được các biên đạo khai thác từ chất liệu truyền thống, dân gian dân tộc.
Múa là một trong những hình thức biểu đạt nghệ thuật lâu đời nhất của nhân loại, không chỉ là sự kết hợp giữa chuyển động cơ thể và âm nhạc mà còn là phương tiện mạnh mẽ để truyền tải bản sắc văn hóa của các dân tộc. Mỗi điệu múa, mỗi phong cách đều mang trong mình những câu chuyện, những giá trị văn hóa đặc trưng, phản ánh lịch sử, phong tục, tập quán và tâm hồn của cộng đồng mà nó đại diện.
Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các nền văn hóa giao thoa và hòa quyện với nhau, nhiều biên đạo cảm thấy cần thiết phải tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Không ít nghệ sỹ đã thành công trong việc kết hợp kỹ thuật múa truyền thống với yếu tố hiện đại, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả.
Tích hợp để hòa nhập
Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam khẳng định: Yếu tố dân tộc và hiện đại chính là hiện thân của giá trị bản sắc văn hóa và tính thời đại. Thông qua giá trị của yếu tố dân tộc để thể hiện bản sắc văn hóa và khẳng định cái riêng - hộ chiếu xuất xứ của tác phẩm. Thông qua giá trị của yếu tố hiện đại để thể hiện tính mới - tính thời đại. Như vậy, sự tích hợp giá trị của yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại cùng hội tụ trong tác phẩm múa dân tộc Việt Nam để hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật của nhân loại hôm nay.
Thạc sỹ Hoàng Thùy Linh (Học viện Múa Việt Nam) cho rằng, việc khai thác triệt để chất liệu múa nguyên bản, tìm về gốc rễ của văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng thêm việc nắm bắt xu thế phát triển của thời đại bùng nổ công nghệ số đã được các biên đạo ứng dụng, để phục vụ cho việc sáng tác của mình một cách tối đa và hiệu quả, tạo ra một xu hướng sáng tác mới.
Cũng theo Thạc sỹ Hoàng Thùy Linh, việc ứng dụng và đưa những vật dụng quen thuộc như thúng, mẹt, khăn, nón, quạt, trống… vào tác phẩm múa khiến chúng có vai trò lớn lao, nhằm tăng thêm giá trị cho tác phẩm múa dân tộc, đồng thời lan tỏa văn hóa truyền thống một cách mới mẻ và cuốn hút…
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Văn Quang, nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam nhận định, những năm gần đây, có một lực lượng biên đạo trẻ đã và đang tiếp bước các thế đi trước sáng tạo những tác phẩm múa chất lượng, có giá trị, có tầm nhìn. Họ tiếp cận được làn sóng mới, đưa chất liệu múa các dân tộc trở thành những chuyển động múa phù hợp, khiến tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại, nhưng không mất đi bản sắc, phong cách, tâm hồn.
Theo giảng viên Học viện Múa Việt Nam Hà Thái Sơn, để khai thác hiệu quả yếu tố truyền thống, dân tộc trong múa đương đại, nghệ sỹ phải đào sâu nghiên cứu sáng tạo để tác phẩm vừa giữ nguyên bản sắc văn hóa, vừa dễ tiếp cận với người xem hiện đại. Nội dung tác phẩm có thể phản ánh những câu chuyện truyền thống, lễ hội văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc, hoặc các nhân vật lịch sử… Để thu hút khán giả, các tác phẩm múa như vậy cần được biểu diễn với phong cách và dàn dựng hấp dẫn, kết hợp công nghệ ánh sáng, âm thanh và các kỹ thuật sân khấu tiên tiến. Còn các cơ quan quản lý và hội nghề nghiệp cần có chính sách bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa truyền thống; số hóa di sản múa dân gian, dân tộc; đẩy mạnh quảng bá…
Là người khởi xướng tổ chức Tuần lễ múa Việt Nam - Vietnam Dance Week, sự kiện thường niên lớn nhất ngành múa Việt Nam, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam cho rằng, việc tổ chức những sự kiện múa lớn tại các địa phương như Liên hoan múa quốc tế, Tuần lễ múa Việt Nam... sẽ tạo sự kết nối giữa nghệ thuật - văn hóa - du lịch, thúc đẩy sự giao lưu giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc nói riêng với nghệ thuật chuyển động trong khu vực và quốc tế, từ đó mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.
Các bài viết cùng chuyên mục
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Lan toả giá trị tốt đẹp từ những dự án "Hành động vì cộng đồng"
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia
Vì sao không nên đi bộ hay chạy trên thang cuốn?
Khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dominica
Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số
Festival Ninh Bình lần thứ III hứa hẹn nhiều nét mới, đặc sắc và ấn tượng