Giải pháp ứng xử linh hoạt với các di tích xuống cấp ở phố cổ Hội An

11/10/2024 11:06

Thành phố Hội An (Quảng Nam) có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.

Chú thích ảnh

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh tư liệu, minh họa: Thanh Hà/TTXVN

Chống xuống cấp cho di tích là nhiệm vụ thường xuyên của thành phố, nhất là trong mùa mưa lũ. Thực tế, việc thực hiện các giải pháp bảo vệ di tích, đặc biệt là hạ giải những di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng chống đỡ (nhất là với di tích thuộc sở hữu tư nhân) gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng loạt di tích xuống cấp

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết: Ngay từ tháng 6/2024, Trung tâm đã chủ động phối hợp cùng các địa phương, đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản tiến hành rà soát danh mục các di tích xuống cấp trong khu phố cổ. Từ đó khảo sát, đánh giá tình trạng xuống cấp của từng di tích, đề xuất giải pháp cụ thể để chằng chống các vị trí xuống cấp, di dời, hạ giải các di tích có nguy cơ sụp đổ nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2024 .

Kết quả, có 36 di tích được đánh giá xuống cấp, trong đó, 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 18 di tích xuống cấp nặng, 9 di tích xuống cấp nhẹ. Trung tâm đã đề xuất phương án chống đỡ 26 di tích (chủ di tích tự chống đỡ bổ sung), 10 di tích được đề nghị hạ giải vì không còn khả năng chống đỡ (các di tích này đã được chống đỡ các năm trước, hiện nay xuống cấp rất nghiêm trọng, không còn giải pháp khả thi để tiếp tục chống đỡ).

Để cứu nguy hiệu quả cho di tích, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã có Công văn gửi UBND các phường Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong đề nghị thông báo đến các chủ di tích thuộc diện xuống cấp, có biện pháp chủ động kiểm tra, tự chống đỡ cho di tích, đồng thời tiếp tục rà soát di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ. Nếu phát hiện có thêm di tích xuống cấp ngoài danh mục đã khảo sát, các địa phương thông báo đến Trung tâm để khảo sát kịp thời, đề xuất phương án chống đỡ, đảm bảo an toàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, trước mùa mưa bão năm nay, thành phố chỉ đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An vận động để các chủ sở hữu nhà cổ chằng chống, gia cố nhà, hạn chế đến mức thấp nhất hư hại do thiên tai gây ra đối với di tích. Với những nhà xuống cấp nghiêm trọng, thành phố chỉ đạo Trung tâm phối hợp cùng cơ quan chức năng xem xét để tham mưu với cấp có thẩm quyền cho phép sửa chữa cục bộ những chỗ nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và người dân.

Khó khả thi giải pháp hạ giải di tích

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết: Khu vực phố cổ có 10 di tích thuộc diện không còn khả năng chống đỡ, được cơ quan chuyên môn đề xuất hạ giải, trong đó có Di tích tại số nhà 12/11 Bạch Đằng; 7/2 Nguyễn Huệ; 71/4 và 98 Phan Châu Trinh; 23 Tiểu La; 26 Trần Quý Cáp; 35,50/9 và 76/18 Trần Phú, 56/10 Lê Lợi. Tuy nhiên, giải pháp hạ giải những di tích này khó khả thi vì sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan chung; đồng thời chưa có kế hoạch tu bổ vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, trong thực tế, việc thực hiện giải pháp hạ giải di tích để trùng tu, nhất là đối với di tích thuộc sở hữu tư nhân, đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng chống đỡ luôn gặp nhiều khó khăn vì có di tích là nhà thờ tộc họ, có di tích là sở hữu chung của nhiều thành viên, muốn có tiếng nói chung trong việc hạ giải và trùng tu là điều không đơn giản. Đặc biệt, để sửa chữa, trùng tu một di tích cần nguồn kinh phí lớn lên đến hàng tỷ đồng.

Để bảo vệ an toàn tính mạng con người, Trung tâm đề nghị UBND phường Minh An liên hệ với chủ di tích, yêu cầu các chủ hộ có cam kết di dời đến nơi ở khác, không ở bên trong di tích khi có bão, lụt xảy ra. Riêng với nhà số 34 Bạch Đằng, có nguy cơ đổ sập trong mùa mưa bão, các cơ quan chức năng đã làm việc với chủ nhà tiến hành hạ giải toàn bộ ngôi nhà và bao che bên ngoài để đảm bảo cảnh quan chung. Di tích đình Cẩm Phô đã bị tụt mất một phần chân mái, hệ mái bị nứt gây thấm dột và mất an toàn đã được đầu tư tu bổ khẩn cấp bằng kinh phí được trích từ nguồn thu vé tham quan tại di tích.

Là một chủ sở hữu di tích, bà Nguyễn Thị Tư ở số nhà 20 Nguyễn Thái Học cho biết, hiện tại hệ khung, rầm, ván sàn... toàn bộ ngôi nhà bị mối mọt xâm hại, hệ mái ngói âm dương thấm dột. Ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ, đề nghị chống đỡ, gia cố các vị trí ở đầu đòn tay, đà sàn và hệ mái âm dương. Tuy nhiên để sửa chữa những hạng mục này cần phải có nguồn kinh phí không nhỏ, ngoài khả năng của gia đình.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh thông tin, Hội An là “bảo tàng sống” về lịch sử, kiến trúc, được giữ gìn một cách nguyên vẹn đến hôm nay và mai sau. Trong hơn 10 năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Hội An đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trùng tu nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng để đối phó với sự tác động khắc nghiệt của thời gian và thiên tai. Tuy nhiên trước diễn biến cực đoan, khó lường của biến đổi khí hậu, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc ở Hội A vẫn phải đối mặt với những thử thách không nhỏ.

Các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ, gồm nhà số 56/10 Lê Lợi, 76/18 Trần Phú, hội quán Ngũ Bang đều là các di tích loại I và II, thuộc sở hữu tập thể, không có người đại diện về pháp lý cũng như trách nhiệm để đứng ra lo việc tu bổ, sửa chữa. Thành phố Hội An sẽ có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ từ nguồn ngân sách thành phố để thực hiện tu bổ, cứu nguy cho di tích.

 

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới