Dựng cây nêu, thả cá chép tại Hoàng thành Thăng Long
03/02/2024 13:28
Dựng cây nêu, thả cá chép là hoạt động mở đầu trong chuỗi các chương trình Tết 2024 tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp), tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã tổ chức nhiều nghi lễ cung đình xưa đón Tết như lễ cúng Táo quân, thả cá chép và dựng cây nêu. Đây là các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) và đón mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Đón năm mới Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tái hiện một số nghi lễ cung đình xưa trong đón Tết như lễ cúng Táo quân, thả cá chép và lễ dựng cây nêu. Trong dịp này, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long cũng diễn ra nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu về văn hoá Tết cung đình xưa.
Thực hiện nghi lễ thả cá chép. |
Tết Nguyên đán xưa bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới. Trong cung đình có nhiều nghi lễ mừng năm mới, độc đáo. Mừng năm mới Giáp Thìn, tại điện Kính Thiên, thuộc di tích Hoàng thành Thăng Long, đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội đã cùng Ban Tổ chức làm lễ cúng Táo quân. Sau thực hành nghi thức cúng Táo quân, đoàn nghi lễ đã cùng chủ tế đưa cá chép sang dòng sông cổ, được phát hiện trong thời gian khai quật khảo cổ ở Hoàng thành để phóng sinh.
Phần quan trọng nhất, được mọi người chờ đợi nhất là nghi lễ dựng cây nêu tại không gian trước Đoan Môn. Trong thời kỳ phong kiến, đích thân nhà vua, hoặc một vị quan có phẩm hàm cao được giao nhiệm vụ này. Sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long phục dựng thành công nghi lễ này.
Tre được chọn dựng cây nêu là cây tre đực, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Ngọn cây được treo một chiếc phướn dài. Trên ngọn còn có một vòng tròn nhỏ, được treo những chiếc khánh đất, hay linh vật để khi gió thổi, va đập nhau kêu leng keng trong gió với ý nghĩa để trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Sau các nghi thức tế lễ trời đất, cây nêu được dựng lên trong không khí phấn khởi của mọi người.
Dựng cây nêu. |
Để phục vụ nhu cầu đón Tết, du xuân của nhân dân và khách du lịch, trong dịp này Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội khai trương nhiều hoạt động văn hoá – nghệ thuật đặc sắc. Nổi bật là không gian trưng bày Tết cung đình giới thiệu Lễ Chính đán thời Lê Trung hưng. Vào thời Lê Trung hưng, hệ thống nghi lễ Tết cung đình ấy bao gồm một chuỗi các nghi lễ diễn ra nối tiếp nhau từ cuối tháng Chạp của năm cũ đến mùng 7 tháng Giêng năm mới.
Trong đó, lễ Chính đán là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. Lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mồng Một Tết với nghi thức Đại triều diễn ra tại sân điện Kính Thiên. Lễ Chính đán là một nghi lễ triều hội, là dịp nhà vua, hoàng tộc và trăm quan gặp gỡ nhau ngày đầu năm mới, cùng chúc tụng cho nhà vua trường thọ, nhân dân ấm no yên vui, xã tắc vững bền cường thịnh. Các xứ trong cả nước dâng biểu mừng vua. Nhân dịp này nhà vua cũng ban yến, ban tiền thưởng xuân cho văn võ bá quan.
Nghi lễ Chính đán được trưng bày diễn giải với ba nội dung chính: Hệ thống pano tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình; Không gian phỏng dựng nghi thức dâng biểu chúc mừng nhà vua năm mới. Điểm nhấn đặc biệt của năm nay là lần đầu tiên một nghi lễ Tết cung đình được tái hiện dưới hình thức phim trình chiếu 3D “Lễ Chính đán thời Lê”. Bộ phim sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ trọn vẹn và ấn tượng về âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu câu chuyện… đưa khán giả hoà mình vào không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như: Rước biểu vào sân điện Kính Thiên; rước xa giá vua sang điện Kính Thiên; vua lên ngai, văn võ bá quan vào chầu hành lễ; lễ tuyên biểu mục, tuyên biểu, lễ tuyên chế; bách quan chúc mừng...
Dịp này, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của di sản: Trưng bày Phong tục Tết Nguyên đán dân gian truyền thống và Nghi lễ Tết cung đình, với các nội dung trưng bày chính: Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống; Không gian trưng bày Tết cung đình: Lễ Chính đán thời Lê Trung hưng; Khai trương tuyến xe điện Hoàn Kiếm – Hoàng Thành Thăng Long.
Đặc biệt nhân dịp Xuân mới, lần đầu tiên Hoàng thành Thăng Long khai trương và đưa vào sử dụng hệ thống hướng dẫn thuyết minh tự động (auto guide), khai trương ngày 5/2/2024.
Các bài viết cùng chuyên mục
Bức tường đất chùa Bổ Đà - kiến trúc dân gian hòa quyện con người và thiên nhiên
Tác dụng của quả chuối 'đặc biệt' nhất Việt Nam
Tuần phim kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
TS. Ngô Phương Lan tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam
Kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số
Hơn 50 đầu sách được lựa chọn tham dự Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Busan
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7