Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón lễ hội Katê 2024
02/10/2024 17:24
Chiều 1/10, Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận đã khai mạc tại sân vận động thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). Đông đảo đồng bào Chăm, người dân và du khách tham dự sự kiện văn hóa truyền thống đặc sắc này.
Lễ hội Katê bắt đầu bằng các nghi thức truyền thống làm lễ đón và rước y trang nữ thần Pô Inư Nưgar (còn gọi thần Mẹ xứ sở - người dạy đồng bào Chăm trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, giúp người dân có cuộc sống no ấm) từ đồng bào Raglai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam.
Để thuận tiện cho quá trình di chuyển, người Raglai đưa y trang xuống và người Chăm đón về. Đúng 13 giờ, sau hồi chiêng, trống báo hiệu, đoàn rước chính thức khởi hành. Dẫn đầu là các vị chức sắc Chăm theo đạo Bàlamôn. Tiếp đến là đội khiêng kiệu với cờ lọng bay phấp phới. Đoàn người lớn, bé và du khách đi thành hàng dài phía sau cùng. Tất cả di chuyển về một địa điểm đã chuẩn bị sẵn trong làng để làm lễ đón rước y trang rồi về sân vận động thôn Hữu Đức và cuối cùng là về đền thờ trong thôn Hữu Đức.
Sau nghi lễ đón rước là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại sân vận động. Các chàng trai, cô gái Chăm từ các thôn: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu cùng nhau cất lên những lời ca, tiếng hát ngân vang. Khán giả được thưởng thức những điệu múa quạt duyên dáng trong tiếng trống Paranưng bập bùng và tiếng kèn Saranai réo rắt. Tất cả cùng hòa quyện, tạo nên một không khí lễ hội rộn ràng, hấp dẫn làm say lòng người.
Được tham gia biểu diễn những điệu múa truyền thống trong Lễ hội Katê, em Đàng Thị Mỹ Quyên (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) vui mừng chia sẻ: "Năm nay, lễ hội Katê có nhiều hoạt động đặc sắc. Em mong muốn bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm được nhiều người trong nước và quốc tế biết tới".
Chị Hán Thị Lan (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) cho hay, Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn nên mọi người đều háo hứng đón chờ. Gia đình chị đã sắp xếp, trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm đồ ăn, thức uống, sắm sửa lễ vật dâng lên các vị thần linh, ông bà tổ tiên cầu mong phù hộ con cháu bình an, khỏe mạnh và làm ăn phát đạt. Đây cũng là dịp để những người thân làm ăn nơi xa xứ, sinh viên trở về nhà sum họp. Các thành viên trong gia đình thăm hỏi, dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau.
Lần đầu tiên cùng các bạn tham dự Lễ hội Katê, anh Nguyễn Văn Tài đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đến với lễ hội, tôi được nghe những bài hát ngọt ngào, chiêm ngưỡng những điệu múa độc đáo và đặc biệt được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống cùng gia đình một bạn người Chăm ở thôn Hữu Đức. Đây thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ và giúp tôi hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận".
Katê là lễ hội hàng năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 Dương lịch). Năm nay, lễ hội được tổ chức từ ngày 1 đến 3/10. Lễ chính được tổ chức vào sáng 2/10 tại ba khu vực đền, tháp Chăm gồm: Tháp Pô Klong Garai (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), Tháp Pô Rômê và Đền Pô Inư Nưgar (Ninh Phước).
Trong ngày lễ chính, tại các đền, tháp Chăm diễn ra nhiều nghi lễ trang trọng gồm: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục và đại lễ. Sau ngày lễ chính, lễ hội tiếp tục diễn ra tại các làng Chăm, tộc họ và gia đình người Chăm theo đạo Bàlamôn. Các địa phương kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian, các hội thi nghệ thuật làm gốm, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, trình diễn trang phục... để người dân và du khách vui chơi, giải trí.
Đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận hiện có hơn 50.000 người, sinh sống chủ yếu tập trung tại các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Chăm không ngừng được nâng cao nên việc tổ chức lễ hội Katê ngày càng sung túc, đầm ấm hơn.
Với ý nghĩa văn hóa - lịch sử quan trọng, năm 2017, “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” đã được đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Katê không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh của tỉnh Ninh Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.
Các bài viết cùng chuyên mục
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Lan toả giá trị tốt đẹp từ những dự án "Hành động vì cộng đồng"
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia
Vì sao không nên đi bộ hay chạy trên thang cuốn?
Khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dominica
Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số