Dấu ấn văn hóa Champa tại vùng đất Cố đô Huế
10/10/2024 11:10
Thừa Thiên - Huế là vùng đất bảo lưu nhiều dấu tích văn hóa Champa độc đáo về nghệ thuật, đa dạng về thể loại và có giá trị về mỹ thuật. Những di sản văn hóa đó không chỉ phán ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử mà còn là một thành tố quan trọng trong bản sắc văn hóa Huế.
Công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng
Theo các nhà nghiên cứu, Thừa Thiên - Huế là không gian một phần lãnh thổ của vương quốc Champa từ đầu thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ XIV, ở đây đã hình thành di sản văn hóa đồ sộ. Những di tích thành trì, cổ tháp, hiện vật và văn hóa phi vật thể mang đậm dấu ấn Champa chính là những cứ liệu quan trọng để nghiên cứu và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử nơi đây.
Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng. Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ di tích này và công bố nhiều phát hiện mới về quy mô, kết cấu, tính chất, niên đại của di tích.
Theo ông Nguyễn Ngọc Chất (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Tháp đôi Liễu Cốc là di tích đền tháp Champa hiếm hoi còn xuất lộ trên mặt đất tính từ Bắc Mỹ Sơn trở ra. Từ kết quả khai quật và quan sát bề mặt hiện trạng, bước đầu đoàn khảo cổ chỉ xác định được hai đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của đền tháp thứ 3. Nếu đúng chỉ 2 tháp thờ chính thì di tích Tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa có 2 tháp thờ chính. Thông thường, các di tích đền tháp Champa phân bố trải dọc miền Trung Việt Nam, quá trình nghiên cứu, chỉ ghi nhận về hệ thống di tích có 1 tháp thờ chính hoặc 3 tháp thờ chính, không có trường hợp nào có 2 tháp thờ chính như ở Liễu Cốc.
Tháp đôi Liễu Cốc gồm hai ngôi tháp được xây dựng gần nhau (cách nhau khoảng 2,8m) trên 2 trục song song theo hướng Đông - Tây, lối vào tháp ở phía Đông. Quá trình thăm dò và khai quật đã làm xuất lộ hoàn toàn dấu tích nền móng kiến trúc tháp Bắc, xác định được vị trí tháp Cổng, hệ thống tường bao, đường đi nội bộ trong di tích. Đoàn khảo sát cũng đã thu được một khối lượng di vật, gồm 4.807 tiêu bản, trong đó, tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Bước đầu, đoàn khảo cổ tạm xếp niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của tháp Mỹ Sơn C2, nằm trong giai đoạn đầu của phong cách nghệ thuật Đồng Dương. Ngoài ra, khi so sánh trang trí trên tường của tháp Bắc và tháp Nam ở Liễu Cốc, đoàn khảo sát cũng nhận thấy có sự khác biệt về trang trí cột và trụ tường của hai tháp này. Nhiều khả năng hai tháp không cùng một niên đại xây dựng.
Tháp đôi Liễu Cốc là di tích có giá trị nhiều mặt, cả về khoa học, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng… UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản thống nhất về mặt chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc. Ngành Văn hóa tỉnh tích cực thực hiện các thủ tục xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm bảo theo quy định để mở rộng khảo cổ giai đoạn 2 và phối hợp với địa phương để xây dựng phương án bảo vệ bền vững di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích tháp đôi Liễu Cốc phục vụ khai thác du lịch và phát triển kinh tế.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Champa
Thừa Thiên - Huế là một trong những địa bàn quan trọng, ghi dấu giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa Champa. Tỉnh có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Champa; trong đó có 17 đền, tháp, 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ… Ba địa điểm trong số đó được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia, gồm: Tháp đôi Liễu Cốc; Thành Lồi và tháp Phú Diên. Đặc biệt, tháp Phú Diên đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) xác lập Kỷ lục Thế giới với tiêu chí "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới" vào năm 2022.
Thừa Thiên - Huế còn có hơn 250 hiện vật Champa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học; trong đó Bệ thờ Vân Trạch Hòa được công nhận Bảo vật quốc gia. Các hiện vật đang được trưng bày tập trung tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế; Nhà trưng bày Dân tộc học - Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế)… Bên cạnh đó, dấu ấn văn hóa Champa còn được thể hiện trong tâm thức, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa dân gian, hoạt động canh tác, cuộc sống của người dân Huế từ xưa đến nay.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, di sản văn hóa Champa là một lớp trầm tích văn hóa rất sâu, là thành tố có vị trí khá đặc biệt, góp phần cấu thành bản sắc văn hóa Huế. Văn hóa Champa ở Thừa Thiên - Huế khác với các địa phương từ Quảng Nam trở vào, bởi vùng đất Thuận Hóa xưa (tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị ngày nay) là món sính lễ mà vua Champa Chế Mân tặng Nhà Trần để cưới công chúa Huyền Trân. Nhiều di tích, di vật đã được người Huế tiếp nhận, dung hợp với các hình thái tín ngưỡng truyền thống của người Việt để tạo nên một sắc thái tín ngưỡng đa dạng của Huế.
Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, hiện vật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, khảo sát, khảo cổ; phối hợp với các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh để xây dựng các tour tham quan các di tích… Tuy nhiên, trải qua hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh, hiện hầu hết di tích về Champa ở Thừa Thiên - Huế đã trở thành phế tích. Các hiện vật Champa lại do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, việc bảo quản, phát huy giá trị gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đánh giá, bảo vệ và phát huy giá trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị hệ thống di sản văn hóa Champa.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải cho biết, di sản văn hóa Champa ở tỉnh có giá trị rất lớn trên nhiều góc độ về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Tỉnh cần quan tâm đầu tư, thống nhất tập trung các bộ sưu tập hiện vật văn hóa Champa về một đầu mối để bảo quản và khai thác hiệu quả hơn; xây bảo tàng hoặc nhà trưng bày riêng về văn hóa Champa. Ngành văn hóa cũng chú trọng đến công tác kiểm kê, số hóa và bảo quản tốt các tư liệu, hiện vật nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số, tạo điều kiện cho việc quản lý bền vững. Đồng thời, ngành đề xuất lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư bố trí nguồn lực trong giai đoạn 2026 - 2030 để tiến hành điều tra, khai quật khảo cổ học một số di tích Champa quan trọng, nhằm hình thành chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả nhất.
Các bài viết cùng chuyên mục
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Lan toả giá trị tốt đẹp từ những dự án "Hành động vì cộng đồng"
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia
Vì sao không nên đi bộ hay chạy trên thang cuốn?
Khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dominica
Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số