'Bệnh X' được WHO đánh giá nguy hiểm gấp 20 lần Covid-19 là gì?
25/01/2024 10:15
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khái niệm về bệnh X, căn bệnh do một loại virus giả định gây ra, chưa biết có tồn tại hay không gây ra.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) giữa tháng 1 để thảo luận về bệnh X do loại virus giả định được cho là nguy hiểm hơn 20 lần so với Covid-19.
Mặc dù chưa biết loại virus như vậy hiện có tồn tại hay không nhưng giới chuyên gia hy vọng có thể chủ động đưa ra kế hoạch hành động để chống lại loại virus đó và chuẩn bị hệ thống y tế nếu bệnh X nổi lên như một đại dịch. Một chuyên gia nói với CBS News rằng khả năng đó có thể xảy ra sớm hơn chúng ta nghĩ.
Tiến sĩ Amesh Adalja, thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), cho biết: “Có những chủng virus với tỷ lệ tử vong rất cao có thể phát triển khả năng lây truyền hiệu quả từ người sang người”.
Bệnh X là gì?
Năm 2022, WHO đã tập hợp 300 nhà khoa học để xem xét 25 họ virus và vi khuẩn nhằm lập ra danh sách các mầm bệnh mà họ tin rằng có khả năng tàn phá và cần được nghiên cứu thêm. Nằm trong danh sách đó là bệnh X được tổ chức này công nhận lần đầu tiên vào năm 2018.
WHO đánh giá sự quan tâm tới virus gây bệnh X "thể hiện sự hiểu biết rằng một đại dịch quốc tế nghiêm trọng có thể do một mầm bệnh (không xác định) gây ra". Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Covid-19 có thể là “bệnh X” đầu tiên. Các nhà khoa học đang tích cực học hỏi từ kinh nghiệm đó.
Theo Tiến sĩ Adalja, bệnh X có thể do một loại virus đường hô hấp đã lây lan ở các loài động vật và chưa có khả năng truyền sang người. “Con vật nhiễm bệnh có thể là loài dơi như Covid-19, các loài chim như cúm gia cầm hoặc một số loại động vật khác, chẳng hạn như lợn”, vị tiến sĩ nói. Khi con người và động vật tiếp xúc, các loài virus có thể lan truyền.
Tính toán của các chuyên gia
Theo WHO, nếu chúng ta không chuẩn bị, rất có thể một căn bệnh ở quy mô đó sẽ gây ra thiệt hại thậm chí còn lớn hơn những gì chúng ta đã trải qua với Covid-19, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng hơn 7 triệu người.
Tiến sĩ Adalja cũng đề cập đến đại dịch cúm năm 1918 đã giết chết khoảng 50 triệu người trên toàn cầu. “Nếu chúng ta ứng phó quá kém với một thứ như Covid-19, bạn có thể tưởng tượng mọi chuyện sẽ tệ đến mức nào với một sự kiện cấp độ như đại dịch cúm năm 1918”.
Đó là lý do các chuyên gia khắp nơi trên thế giới đang nghiên cứu một kế hoạch mạnh mẽ và hiệu quả để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Ông Ghebreyesus nhận định hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch về cơ sở hạ tầng y tế có thể giúp ích trong một kịch bản tương lai.
Tiến sĩ Adalja cho biết một bài học quan trọng khác từ đại dịch Covid-19 là tầm quan trọng của tính minh bạch.
Ông Ghebreyesus chia sẻ WHO hợp tác với các tổ chức toàn cầu khác đã đưa ra các sáng kiến để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Những nỗ lực này bao gồm quỹ đại dịch để giúp các quốc gia có nguồn lực, trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA để đảm bảo công bằng về vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung tâm thông tin về dịch bệnh nhằm cải thiện hoạt động giám sát hợp tác giữa các quốc gia.
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình biểu diễn của Đoàn Nhà hát Ballet Quốc gia Cuba
Bức tường đất chùa Bổ Đà - kiến trúc dân gian hòa quyện con người và thiên nhiên
Tác dụng của quả chuối 'đặc biệt' nhất Việt Nam
Tuần phim kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
TS. Ngô Phương Lan tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam
Kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số
Hơn 50 đầu sách được lựa chọn tham dự Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Busan
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số