Báo chí cách mạng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

07/05/2024 11:06

Cách đây vừa tròn 70 năm, báo chí cách mạng đã đóng vai trò như một “binh chủng đặc biệt” tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị chiến đấu và thực hành tác chiến, qua đó, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cơ quan báo chí, mà nòng cốt là Báo Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân,… cùng với hệ thống tờ tin của các đơn vị đã thường xuyên theo sát diễn biến của từng đợt tiến công; kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ. Báo chí cách mạng đã trực tiếp góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lịch sử đã ghi nhận sự đóng góp của nhiều phóng viên, nhà báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể kể đến những phóng viên dày dạn kinh nghiệm của Báo Quân đội Nhân dân là Hoàng Xuân Tuỳ, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và Hoạ sỹ Nguyễn Bích; hay phóng viên Nguyễn Nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam; các phóng viên Thái Duy, Chính Yên của Báo Cứu Quốc; các nhà báo Trần Đĩnh, Thép Mới của Báo Nhân Dân;… Bên cạnh đó là lực lượng đông đảo các văn nghệ sỹ thường xuyên tham gia viết báo như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần, Hoạ sỹ Mai Văn Hiến; các nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác; các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông; nhà quay phim Tiến Lợi…

Đặc biệt, để những tờ báo thực sự mang hơi thở của chiến trường, cùng với đội ngũ phóng viên, nhà báo nói trên, không thể không nhắc đến những cán bộ tuyên huấn của các đại đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tiêu biểu là các đồng chí như: Hồ Phương (Đại đoàn 308), Ngọc Tự, Tạ Hữu Thiệu, Ngọc Bằng (Đại đoàn 316), Phác Văn, Lê Nguyễn (Đại đoàn 312)…; hay những cán bộ chính trị như Mạc Ninh, Đoàn Hợp… Ngoài ra còn có những phóng viên nòng cốt ở các tờ tin của các đại đoàn, trung đoàn. Chính các “nhà báo chiến trường” này đã giúp tăng tính cập nhật kịp thời cho các ấn phẩm báo chí trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một trong các số Báo Quân đội Nhân dân được xuất bản trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu). 

Một nét độc đáo của báo chí trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, một tòa soạn tiền phương của một cơ quan báo chí đã được tổ chức ngay tại mặt trận; trực tiếp hoạt động báo chí dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Đó là toà soạn Báo Quân đội Nhân dân và ban biên tập các tờ tin đại đoàn, trung đoàn tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đây cũng là lần đầu tiên ta tổ chức viết báo, in và phát hành báo ngay tại mặt trận.

Do tính chất đặc thù của Chiến dịch Điện Biên Phủ và trong điều kiện thông tin gặp nhiều khó khăn nên đại đa số tin bài của phóng viên, nhà bào đều tập trung dành cho Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận, sau đó mới chuyển tải cho các tờ báo khác ở căn cứ địa Việt Bắc. Bên cạnh Báo Quân đội Nhân dân còn có các tờ tin của các đại đoàn, trung đoàn như Lập công của Đại đoàn 308, Tiên phong của Đại đoàn 312, Quyết thắng của Đại đoàn 316… Đây là những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân công tham gia trong Chiến dịch.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch, ngày 28/12/1953, tòa soạn tiền phương của Báo Quân đội nhân dân đã xuất bản số đầu tiên. Như vậy, hơn 2 tháng trước khi, ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 13/3/1954), báo chí đã tham gia tích cực trong công tác chuẩn bị chiến đấu. Thời gian đầu, Báo ra 2 trang, 4 - 5 ngày ra một số. Nhưng từ đầu tháng 3/1954, cùng với sự phát triển của chiến dịch, Báo ra 3 ngày rồi 2 ngày một số, thậm chí ra hàng ngày. tòa soạn và nhà in đặt ngay trên sườn đồi Pu Ma Hong ở Mường Phăng, chỉ cách hầm của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận Điện Biên Phủ đúng một cánh đồng. Trong 140 ngày đêm (kể cả thời kỳ trước mở màn chiến dịch) Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã xuất bản được 33 số.

Nội dung phản ánh chủ yếu của báo chí cách mạng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đó là tin tức, bài viết, gương chiến đấu dũng cảm, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất, vấn đề giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên, cùng thơ ca, hò vè, thơ đả kích địch… đã làm cho tờ báo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch.

Cùng với những tin, bài phản ánh về tình hình chiến dịch, tin tức chiến sự trên các chiến trường, thông tin về hoạt động ở hậu phương, các bài bình luận quân sự, các chỉ đạo, động viên của Trung ương (trong đó có Thư chúc Tết của Bác Hồ), các bài viết còn mang tính định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, các bài trao đổi, hướng dẫn công tác và phản ánh cuộc sống sinh hoạt của bộ đội tại trận địa. Do đó, báo chí không chỉ mang tính giáo dục tư tưởng, chính trị mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt và hiệu quả chiến đấu, tăng cường tinh thần và thể chất để bộ đội chiến đấu hăng hái hơn.

Cán bộ, chiến sĩ đọc Báo Quân đội Nhân dân để biết thông tin từ chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu). 

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, với tinh thần xung kích, báo chí cách mạng đã thể hiện rõ vai trò trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Báo chí mang hơi thở của chiến trường, phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của bộ đội. Vừa tuyên truyền, cổ động vừa động viên, khích lệ, báo chí cách mạng đã trực tiếp giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng trình độ mọi mặt cho bộ đội. Do đó, báo chí cách mạng tại mặt trận Điện Biên Phủ đã đóng vai trò nòng cốt, là “binh chủng đặc biệt”, thường xuyên cổ vũ, tuyên truyền bộ đội trên chiến trường, góp phần vào chiến thắng quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiện nay, báo chí cách mạng tiếp tục khẳng định rõ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, các cơ quan nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được vai trò tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Kế thừa kinh nghiệm hoạt động báo chí cách mạng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn với yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay, thực hiện quan điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông” (1) là điều kiện để báo chí nước ta tiếp tục thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng và là diễn đàn rộng rãi của nhân dân, góp phần kiến tạo bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội./.

 
ThS Phạm Minh Hà
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới