Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc
07/02/2025 13:10
Ngày 6/2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ký ban hành Công văn số 418/BVHTTDL- VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.

Lễ hội Tiên Công hay còn có tên gọi khác là lễ “rước người”, là một lễ hội độc đáo và được người dân các xã, phường của vùng đảo Hà Nam (Quảng Ninh) duy trì tổ chức với quy mô khá lớn trên địa bàn. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Công văn nêu rõ: Nhằm thực hiện hiệu quả Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 3/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội theo phân cấp về thẩm quyền; thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3/8/ 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước; rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh công cộng.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.
Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội; thanh, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc…
Các bài viết cùng chuyên mục
Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh tỏa sáng trong top du lịch cao cấp châu Á - Thái Bình Dương 2025
Khơi gợi hồn thiêng phương Nam qua 'U Minh truyền kỳ'
Đưa du lịch Việt Nam tới gần hơn với người Séc
Khánh thành Tượng đài Trung tâm Khu tưởng niệm Chiến khu D ở Bình Dương
Huế và hành trình đánh thức tiềm năng du lịch xanh đầm phá
Dầu cho thức ăn chăn nuôi biến thành dầu ăn cho người nguy hại cỡ nào?
Hút khách du lịch mùa vải thiều
Bác sĩ nói gì về lời đồn uống nước lá ổi mỗi ngày bệnh tiểu đường sẽ khỏi?
Quảng bá du lịch di sản qua các sự kiện thể thao