Bàn giải pháp nâng chất nguồn nhân lực du lịch văn hóa

31/10/2024 11:12

Ngày 30/10, tại Trung tâm Không gian văn hóa Khê Cốc, thuộc Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình), Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cùng Dự án "Vườn ươm Tài năng văn hóa du lịch" tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Hội thảo thu hút hơn 150 tác giả và nhóm nghiên cứu gửi bài tham luận. Các tác giả và nhóm nghiên cứu đến từ 75 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp trên cả nước. Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực du lịch văn hóa. Đây cũng là bước đệm quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, chú trọng vào các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy di sản truyền thống.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, du lịch văn hóa là một trong những sản phẩm chủ đạo quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong những văn bản, chỉ đạo, chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam. Theo đó, để phát triển du lịch Việt Nam bền vững, yếu tố con người là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay còn một số thách thức trong du lịch văn hóa như: chương trình đào tạo chưa cập nhật, chưa theo kịp xu hướng mới, công nghệ khai thác mới; biên soạn giáo trình chưa theo kịp trong bối cảnh hội nhập; khó khăn trong việc cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực... Vì vậy, những tham luận, thảo luận của các đại biểu, chuyên gia tại hội thảo là những thông tin quý báu để Cục Du lịch ghi nhận, tiếp thu, từ đó tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết, trong năm 2024, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng là "Điểm đến hàng đầu châu Á 2024", "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024"; qua đó cho thấy vị thế và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Các giải thưởng chính là sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định rõ "Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng điểm đến", trong đó nhấn mạnh "chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh và góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam với bè bạn quốc tế".

 Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đào Mạnh Hùng, để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Đại biểu quốc tế tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: làm rõ khái niệm sản phẩm du lịch văn hóa và thực trạng, sự cần thiết nâng cao chất lượng việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế; nguyên nhân cơ bản quyết định chất lượng việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hóa tại các cơ sở đào tạo; những yếu tố đặc thù, giải pháp căn cơ trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cho sản phẩm du lịch văn hóa nhằm đạt tới hiệu quả cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng...

Hải Yến (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới