Ba không khi ăn măng

12/10/2024 13:23

Măng tiềm ẩn một số rủi ro nếu bạn không biết cách chế biến hoặc ăn quá nhiều.

Măng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất xơ, đồng, vitamin B6 và E. Trong một khẩu phần măng 155g có 64 calo, 2,5g chất đạm, 4,5g chất béo, 5g carb, và nhiều loại vitamin…

Tuy nhiên, măng có một số chất tiềm ẩn nguy cơ không tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số điều bạn không nên làm khi lựa chọn măng là thực phẩm cho bữa ăn: 

Ăn măng chưa luộc hoặc mới luộc sơ

Theo Healthline, măng tươi chứa chất taxiphyllin sinh xyanua và enzym là B-glycosidase hỗ trợ quá trình chuyển hóa này. Ngộ độc xyanua có thể gây ra các biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, suy hô hấp, cơ thể tím tái… 

Tuy nhiên, một số phương pháp sơ chế sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng taxiphyllin, đảm bảo sự an toàn khi ăn măng.

Với măng tươi, trước khi chế biến, bạn phải bóc bỏ vỏ, ngâm, luộc nhiều lần. Trong khi đó, măng khô cần rửa sạch bụi bẩn, ngâm nước 6-8 tiếng cho nở mềm. Thay nước ngâm măng vài lần để loại bỏ vị đắng. Bạn cần luộc kỹ măng, sau đó chắt bỏ nước và thay nước 2-3 lần đến khi nước luộc trong, không còn mùi khó chịu. 

Sau khi luộc, xả sạch măng bằng nước lạnh, để nguội. Xé măng thành sợi nhỏ để chuẩn bị chế biến các món ăn. Nếu không sử dụng ngay, bạn có thể để măng vào hộp đậy kín rồi bảo quản 1 tuần trong ngăn mát.

mang xao.jpg
Bạn cần ngâm, luộc măng kỹ trước khi chế biến các món ăn. Ảnh: Ban Mai

Đậy vung khi luộc măng 

Taxiphyllin là tiền chất của xyanua có trong măng, sắn, hạt quả đào, mơ, mận. Măng cũng có thể bị tẩm chất tẩy trắng hoặc lưu huỳnh để bảo quản được lâu. 

Theo Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, ở Việt Nam, ngộ độc taxiphyllin chủ yếu do ăn sắn và măng chế biến sai cách. Đối với sắn, bạn gọt vỏ, cắt bỏ 2 đầu và ngâm trong nước. Với măng, bạn sơ chế bằng cách ngâm với lượng nước lớn, luộc nhiều lần, mở vung khi sôi. Nếu bạn đậy kín nồi, các chất nguy hiểm sẽ không thể thoát ra ngoài. 

Ăn nhiều măng

Măng là loại thực phẩm nhiều chất xơ, ăn mức độ vừa phải có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hấp thụ lượng lớn thường xuyên sẽ dẫn tới khó tiêu, tương tự như khi ăn trái hồng ngâm. 

Năm 2023, Bệnh viện E (Hà Nội) từng cấp cứu một người đàn ông 72 tuổi bị tắc ruột sau khi ăn canh măng. Bệnh nhân đau bụng từng cơn, buồn nôn, đi ngoài khó. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân có khối rắn chắc là bã măng khô gây tắc ruột. 

Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa gây tắc ruột, bác sĩ khuyến cáo người dân cần nấu chín, ninh nhừ thức ăn cho trẻ nhỏ và người cao tuổi; không ăn nhiều các loại thực phẩm có lượng chất xơ lớn như hồng, măng. 

Những người không nên ăn măng

Theo Webmd, không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu măng có an toàn cho người mang thai hoặc cho con bú hay không. Bởi vậy, tốt nhất những người này nên tránh sử dụng.

Người bị rối loạn tuyến giáp như suy giáp, bướu cổ hoặc có khối u sẽ trở nặng nếu ăn măng trong thời gian dài. 

Ngoài ra, những người gặp vấn đề đường tiêu hóa cũng nên hạn chế ăn măng tránh nguy cơ tắc ruột.

Nguồn baotintuc.vn

Viết bình luận mới