"Âm vang Mê Linh"- tái hiện sinh động cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
05/02/2024 07:14
Kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024, UBND huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc, Hà Nội sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Âm vang Mê Linh" sử dụng 3D Mapping tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đầy chân thực và sống động.
Công nghệ 3D Mapping tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. |
UBND Huyện Mê Linh cho biết, năm nay ngoài các hoạt động rước kiệu, cúng tế tại Lễ hội theo nghi thức truyền thống địa phương, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao sẽ được tổ chức phục vụ nhân dân và du khách đến với Lễ hội
Đặc biệt, vào lúc 17h30 ngày 15/02 (tức tối ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch (mùng 6 Tết Giáp Thìn)) sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 và ngay sau Lễ kỷ niệm sẽ là Chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại với tên gọi "Âm vang Mê Linh".
Đây là một chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Mê Linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau Công nguyên. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Kênh H1 - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Chủ đề "Âm vang Mê Linh" có sự kết nối quá khứ - hiện tại – tương lai, là chủ đề gợi nhiều sự liên tưởng, dễ dàng truyền tải nhiều thông điệp nội dung, đưa khán giả đến gần với dữ liệu lịch sử thời Hai Bà Trưng của toàn bộ chương trình nghệ thuật một cách tinh tế, thực cảnh, hấp dẫn, hiệu quả.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc, được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping LED matrix hiện đại, kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại, mới mẻ, với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo ánh sáng, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…
Sân khấu liên tục thay đổi bối cảnh, giúp tái hiện sống động cuộc sống thời Âu Lạc. |
Sân khấu liên tục thay đổi bối cảnh, giúp tái hiện sống động những khung cảnh lao động trong đời sống của nhân dân Âu Lạc xưa (thời Hai Bà Trưng), hay nỗi kinh hoàng trước cảnh nước mất, nhà tan khi quân giặc đô hộ, cướp bóc, giày xéo Nhân dân, cảnh rừng thiêng nước độc khi nhân dân phải đi tìm các sản vật cống tế, hay khí thế hừng hực trong lời kêu gọi chiêu mộ nghĩa binh hội tụ, tế cờ khởi nghĩa, chiến đấu của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm 40- 43 sau Công Nguyên.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chú trọng vào yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn vinh công đức Hai Bà Trưng kết hợp các màn biểu diễn với những công nghệ hiện đại nhất. Khán giả sẽ có những trải nghiệm độc đáo, đặt họ vào không gian của vùng đất Âu Lạc trong buổi đầu lập nước, giữ nước.
Công nghệ 3D mapping sẽ vẽ lại bức tranh oanh liệt thời đại Hai Bà Trưng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan một cách chân thực. Chương trình là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức hấp dẫn của công nghệ hiện đại trên nền tảng cốt lõi là các câu chuyện lịch sử, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận mới và biểu đạt mới cho các câu chuyện lịch sử trong nhịp sống đương đại, thu hút sự theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách khi đếm với vùng đất Mê Linh "địa linh nhân kiệt".
Chương trình mang giá trị kiến thức, hình ảnh hấp dẫn, thú vị, sẽ dẫn dắt người xem tham gia, tương tác vào bối cảnh diễn ra các sự kiện lịch sử của dân tộc. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, du khách thập phương, là dịp để Nhân dân được tham quan, tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử vùng đất Mê Linh xưa, đời sống của người dân Âu Lạc buổi đầu dựng nước và giữ nước, được hiểu thêm về những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Đồng thời, chương trình cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước và khơi dậy niềm tự hào trong lòng mỗi người dân đất Việt, khẳng định tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không chịu khuất phục trước kẻ thù của người Việt từ xưa đến nay.
Các bài viết cùng chuyên mục
Bức tường đất chùa Bổ Đà - kiến trúc dân gian hòa quyện con người và thiên nhiên
Tác dụng của quả chuối 'đặc biệt' nhất Việt Nam
Tuần phim kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
TS. Ngô Phương Lan tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam
Kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số
Hơn 50 đầu sách được lựa chọn tham dự Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Busan
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7