Xây dựng đô thị mới Tịnh Biên

26/01/2023 16:47

Năm 2023, Huyện ủy và UBND huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) sẽ tập trung xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng để chuyển mình lên thị xã. Đồng thời, tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch (DL) và giao thương biên mậu, khai thác thế mạnh nông nghiệp đặc thù nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh xây dựng đô thị

Năm 2022, Huyện ủy, UBND huyện Tịnh Biên đã tập trung lãnh, chỉ đạo các ngành và địa phương tập trung hoàn thành, nâng chất các chỉ tiêu xây dựng đô thị. Cụ thể, đã và đang đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 15 công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ đồng, gồm: Công trình giao thông, mương thoát nước, công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị.

Theo đó, UBND huyện đẩy mạnh thực hiện các công trình trọng điểm nhằm tạo sức bật cho hạ tầng giao thông địa phương. Với cơ sở hạ tầng Khu DL núi Cấm, đã nghiệm thu các hạng mục ban đầu được duyệt, như: Đường chính và các đường nhánh lên núi Cấm; gia cố ta-luy bờ hồ Thủy Liêm.

Đồng thời, nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 948 thuộc tuyến quốc phòng - an ninh vùng biên giới và dân tộc; tiếp tục thi công các hạng mục giai đoạn 3 công viên cổng chào huyện… Đặc biệt, đã hoàn thành Phù điêu đua bò ngã ba Nhà Bàng có kết cấu bê-tông cốt thép toàn khối, với chiều ngang 23m và chiều cao 15m, tạo điểm nhấn đặc biệt về biểu tượng văn hóa của đô thị mới Tịnh Biên.

 

 

Trong công tác chỉnh trang, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, UBND huyện đã hoàn thiện thi công các tuyến đường giao thông quan trọng, như: Nâng cấp, sửa chữa Hương lộ 11; duy tu tuyến lộ cua 13 xã An Phú; hoàn thành thi công cống thoát nước đường số 13A, đường số 15 khu vực chợ bách hóa Tịnh Biên; sửa chữa, nâng cấp hệ thống cây xanh - điện chiếu sáng công viên bờ kè kênh Vĩnh Tế tại khu vực thị trấn Tịnh Biên…

Trung tâm Hạ tầng - Kỹ thuật huyện kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chăm sóc công viên cây xanh và đèn chiếu sáng công cộng kể cả các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thực hiện 16 công trình hạ tầng, giao thông tại thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên, Chi Lăng và các xã: Thới Sơn, Nhơn Hưng, An Cư với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.

Năm 2023, UBND huyện Tịnh Biên sẽ triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tịnh Biên. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu DL núi Cấm và lập quy hoạch phân khu 4 phường thuộc TX. Tịnh Biên theo Quyết định 2746/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, sẽ tập trung hoàn thành các công trình được bố trí vốn năm 2021 chuyển tiếp năm 2022, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình theo kế hoạch năm 2022 và nguồn vốn đầu tư xây dựng, như: Nâng cấp Hương lộ 9 (đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến ranh xã An Phú - thị trấn Tịnh Biên), đường Nguyễn Thị Định (thị trấn Nhà Bàng), công viên cổng chào giai đoạn 3…

Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực và tranh thủ nguồn vốn thực hiện Dự án cải tạo cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển thương mại khu vực biên giới Tịnh Biên và nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ để chỉnh trang đô thị, nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn của đô thị loại IV, phát triển thành thị xã và thành lập 7 phường trực thuộc trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, hưởng ứng tham gia xã hội hóa các công trình chỉnh trang đô thị và từng bước hình thành thói quen xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội

 Năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện Tịnh Biên xác định thương mại - DL là động lực, nông nghiệp vẫn là nền tảng cho sự phát triển. Do đó, huyện sẽ vận dụng tối đa cơ chế chính sách nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của địa phương để phát triển và hạn chế tác động tiêu cực. Đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trong đó, UBND huyện Tịnh Biên tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu: Chuyển đổi 900ha trên nền đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; xây dựng 10 sản phẩm đặc thù của địa phương và lũy kế 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới  49,5 triệu đồng/năm (tăng 5,56% so với năm 2021); giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành…

Để thực hiện thành công chỉ tiêu trong năm mới, UBND huyện đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, như: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái gắn với phục vụ DL; phối hợp các cơ quan, ban, ngành huyện và các xã, thị trấn triển khai có hiệu quả các dự án, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trên lĩnh vực DL, huyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông giúp kết nối thuận lợi các khu, điểm DL trên địa bàn và các trung tâm lớn trong vùng; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến DL; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện các dự án về DL tại địa phương; phấn đấu thu hút 4 triệu lượt khách trong năm 2023.

 

 

Du khách Trekking núi Cấm

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu trong tình hình mới, tạo mọi điều kiện để nhân dân 2 bên biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi; xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải, kho bãi, thanh toán tiền tệ; sắp xếp trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại các chợ và các điểm bán hàng trên địa bàn huyện, kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong công tác cải cách hành chính, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng chỉ số cải cách hành chính lên 1 bậc so năm 2022; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đạt 90 điểm trở lên; xây dựng kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”...

Đồng thời, huyện cũng tập trung triển khai giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu quản lý, thu - chi ngân sách; phát triển hộ kinh doanh cá thể; phát triển văn hóa - xã hội. Nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; từng bước nâng chất hoạt động sự nghiệp y tế theo hướng hiệu quả và phát triển; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển DL; nâng chất các danh hiệu văn hóa; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh...

Với truyền thống đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tịnh Biên sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, tận dụng lợi thế, phát huy thế mạnh nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023, tạo nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị vùng biên giới.

Nguồn: baoangiang.com.vn