Phát triển sản phẩm OCOP
02/04/2025 13:01
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại các địa phương. Xác định ý nghĩa đó, tỉnh An Giang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm đặc trưng của vùng, giúp tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Đa dạng sản phẩm OCOP
Những năm qua, việc triển khai chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân, trở thành động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn. Tại xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), gia đình anh Thái Vĩnh Phú đã thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Anh Phú đã tham gia Tổ hợp tác trồng dưa lưới BìnhThạnh Đông, sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao của huyện. “Thực hiện chủ trương về chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, qua nghiên cứu học tập nhiều nơi, tôi đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng. Năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tôi mạnh dạn đầu tư thêm nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, giống, nguyên liệu… số tiền khoảng 500 triệu đồng, nâng tổng diện tích canh tác lên 2.800m2” - anh Phú chia sẻ thêm.
.jpg)
Các chủ thể quan tâm phát triển sản phẩm OCOP trên tiềm năng, thế mạnh địa phương
Tùy vào nhu cầu thị trường và hợp đồng với doanh nghiệp, anh Phú lựa chọn giống dưa phù hợp. Mỗi vụ dưa kéo dài từ 60 - 80 ngày, một năm có thể sản xuất 4 vụ mà không phụ thuộc điều kiện thời tiết. Hiện nay, Tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp của tỉnh Hậu Giang bao tiêu với giá 30.000đồng/kg. Với mức giá trên, sau khi trừ chi phí, anh Phú thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng/vụ/1.000m2.
Với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chương trình OCOP như cấp vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao, xây dựng hệ thống chuẩn hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… nên chương trình đã thu hút được nhiều chủ thể tham gia và ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có trên 182 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và được công nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao, 163 sản phẩm 3 sao...
Đẩy mạnh phát triển
Năm 2025, UBND tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên cơ sở đó, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng…
UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có thêm 50 - 60 sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, sinh vật cảnh, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đề xuất đánh giá, phân hạng OCOP từ 4 sao trở lên.

Đa dạng các sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường
Bên cạnh đó, phấn đấu 100% chủ thể được tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp… Duy trì, nâng chất, phát triển các điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện nâng cao năng lực thực hiện cho cán bộ phụ trách chương trình OCOP…
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp trọng tâm chương trình OCOP của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh. Xác định sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương theo chức năng nhiệm vụ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn và có kế hoạch triển khai thực hiện, hỗ trợ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP theo từng nhóm ngành, từ đó đa dạng hóa sản phẩm OCOP của tỉnh… Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, quản lý, giám sát và điều hành công tác triển khai thực hiện chương trình OCOP và sản phẩm OCOP…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
20 thanh, thiếu niên lãnh án 72 năm tù
Cảnh giác thủ đoạn mạo danh để lừa đảo
Vẽ trọn hình hài cao tốc từ Bắc vào Nam
An Giang tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm
Dưới hàng thốt nốt!
Cẩn thận khi tham gia giao thông
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Nhịp cầu nối bờ vui
Khám phá Óc Eo