Vùng Bảy Núi chuẩn bị đón lễ Sene Dolta
14/09/2022 16:54
Sau 2 năm buộc phải thu hẹp tổ chức do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lễ Sene Dolta năm nay của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer dự báo sẽ rộn ràng, ấm cúng hơn. Một trong những hoạt động được chờ đón là sự xuất hiện trở lại của lễ hội đua bò, môn thể thao đặc trưng và là nét văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS Khmer.
Tưởng nhớ ông bà
Lễ Sene Dolta của đồng bào DTTS Khmer là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính. Nếu như Phật giáo đại thừa có lễ Vu lan báo hiếu, thì lễ Sene Dolta theo Phật giáo tiểu thừa cũng không kém phần quan trọng.
“Sene Dolta hay gọi dễ hiểu là lễ cúng ông bà, nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Đây là dịp để con cháu làm ăn xa cùng quây quần về sum họp, vào chùa lau dọn, chùi rửa hũ tro cốt của người đã khuất, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tôn kính tổ tiên” - bà Néang Kim Chang (ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) chia sẻ.
Sinh hoạt của người dân vùng Bảy Núi trong ngày lễ Sene Dolta
Năm nay, lễ Sene Dolta diễn ra từ ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (từ ngày 24 đến 26/9/2022). Nhờ dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, kinh tế dần hồi phục nên bà con DTTS Khmer ở An Giang, đặc biệt là vùng Bảy Núi đón lễ Sene Dolta trong không khí nô nức, phấn khởi. Cũng như nhiều gia đình Khmer khác, mấy ngày nay, bà Néang Kim Chang dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, chuẩn bị đón con cháu về chơi.
Theo truyền thống, ngày đầu tiên của lễ Sene Dolta được gọi là ngày cúng tiếp đón, chủ yếu diễn ra ở nhà. Mỗi gia đình dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và mời các thành viên đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà, người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Đến ngày thứ 2 (ngày cúng chính), bà con DTTS Khmer chuẩn bị mâm cơm, bánh, trái cây, hoa mang vào chùa để tổ chức cúng tập thể.
Sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả linh hồn, bà con phật tử cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Sau đó, các gia đình về nhà, làm mâm cơm mới tiếp tục cúng. Đến ngày thứ 3 (ngày cúng tiễn), các gia đình chuẩn bị mâm cơm, mời vài vị sư sãi, họ hàng thân tộc trong phum, sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu, tiễn đưa linh hồn người quá cố…
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Lễ Sene Dolta thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với hoạt động tôn giáo tín ngưỡng tại chùa Khmer Nam Bộ. Riêng với đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi - An Giang, lễ hội này còn gắn với hoạt động thể thao đặc trưng mà nơi khác không có - lễ hội đua bò.
Ban đầu, đây chỉ là hình thức thi đua cày bừa ở các chùa Nam tông Khmer do sư sãi đứng ra tổ chức, dần nâng lên thành hội thi cấp huyện để tuyển chọn đôi bò giỏi tham gia Lễ hội đua bò Bảy Núi (do huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên đăng cai tổ chức).
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, nhân dịp lễ Sene Dolta năm nay, địa phương cùng Liên đoàn Dù lượn Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình biểu diễn dù lượn, diều lượn có động cơ, không có động cơ kết hợp Lễ hội đua bò Bảy Núi cấp huyện, chủ đề “Bay giữa mùa lễ hội”. Theo đó, Lễ hội đua bò Bảy Núi cấp huyện dự kiến tổ chức ngày 19/9/2022 tại sân đua bò huyện Tri Tôn (trong khuôn viên Khu liên hợp Thể thao Du lịch Tà Pạ - Soài Chek), với 40 đôi bò đến từ 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn.
Lễ hội đua bò của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi
Đối với chương trình biểu diễn dù lượn, diều lượn có động cơ, không có động cơ, các phi công sẽ bay biểu diễn trong ngày 24 và 25/9. Địa điểm xuất phát dù lượn, diều lượn không động cơ là “sân bay” trên Phụng Hoàng Sơn, còn cất cánh dù lượn, diều lượn có động cơ là từ đường băng cặp sân đua bò và đồi Tà Pạ. UBND huyện Tri Tôn phối hợp tổ chức chương trình văn nghệ Khmer, hoạt động triển lãm, gian hàng ẩm thực và trò chơi dân gian để du khách tham gia.
Tại huyện Tịnh Biên, lễ hội đua bò chùa Rô dự kiến được tổ chức ngày 18/9/2022, tại sân đua bò chùa Rô (ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư). Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS Khmer ở huyện Tịnh Biên, nhằm chào đón lễ Sene Dolta. Lễ hội gồm 2 phần, gồm hội đua bò và hội cấy mạ. Dự kiến, trong buổi sáng 18/9, có từ 20 - 24 đôi bò được tuyển chọn tham gia thi đấu. Buổi chiều cùng ngày (từ 14 - 15 giờ), bà con DTTS Khmer ở quanh chùa cùng các nhà sư sẽ tham gia cấy lúa cho chùa Rô.
Về thể thức đua bò, từng đôi bò đua với nhau do tài xế đứng trên nài phía sau điều khiển. Bằng hình thức loại trực tiếp, đôi bò thắng vào vòng trong. Mỗi đôi bò sẽ bốc thăm thứ tự, xếp hàng diễu hành trước khi bắt đầu cuộc đua. Sân đua bò ở chùa Rô rộng hơn 2.000m2, là cánh đồng được nhà chùa cùng người dân địa phương cải tạo. Lễ hội đua bò chùa Rô là một trong những sân chơi truyền thống đặc trưng, sôi động nhất vùng bảy Núi.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Trung tâm y tế TX. Tịnh Biên đạt chuẩn triển khai bệnh án điện tử
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khảo sát, làm việc về tình hình xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
Bàn giao công trình đèn năng lượng tại xã Quốc Thái
Thoại Sơn tổng kết hoạt động công tác dư luận xã hội
Long Xuyên khởi công tuyến đường năng lượng xanh
Bình dị làng Chăm Châu Phong
Khởi công xây dựng Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh An Giang
Long Xuyên công bố nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã
Cảnh giác lừa đảo dịp cuối năm
Hương đường thốt nốt trong phum, sóc