Từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”

22/02/2024 15:00

“Tín dụng đen” như cơn sóng ngầm, âm ỉ trong đời sống, nhưng để lại hậu quả rất khủng khiếp. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; hiệu quả tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen” chưa cao; công tác quản lý Nhà nước một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót, để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động...

Cần tiền xoay sở cuộc sống gia đình, bà N.T.D (sinh năm 1985, ngụ TX. Tân Châu) và nhiều người dân “nhắm mắt” vay tiền của Nguyễn Văn Hoàng (ngụ cùng địa phương), lãi suất lên đến 30%/tháng. Khi không thể nào gánh nổi số nợ “lãi mẹ đẻ lãi con”, bà D. làm đơn tố giác Hoàng. Lực lượng chức năng tiến hành điều tra, xác minh vụ việc. Đối tượng khai nhận, từ tháng 5/2023 đến nay, Hoàng cho 16 người vay nặng lãi (trên địa bàn TX. Tân Châu và các huyện lân cận), thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng.

Thời gian gần đây, xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Vì vậy, ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện 766/CĐ-TTg, yêu cầu tăng cường giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. UBND tỉnh An Giang ban hành Công văn 1267/UBND-NC, ngày 27/9/2023 chỉ đạo sở, ban, ngành và UBND 11 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Công điện 766/CĐ-TTg.

 

Tang vật thu giữ của đối tượng hoạt động tại TX. Tân Châu

 

Giữ vai trò nòng cốt, Công an tỉnh tăng cường theo dõi, nắm tình hình; áp dụng biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm đối tượng có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm tội phạm, nhóm đối tượng “bảo kê”, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp “tín dụng đen” trên không gian mạng, huy động lực lượng từ cấp tỉnh đến cơ sở, với mục tiêu kéo giảm tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả và tác hại do “tín dụng đen” gây ra.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang tăng cường thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng hình thức cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh, gọn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp, phục vụ đời sống, tiêu dùng của Nhân dân. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, từ chối tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, tờ rơi có nội dung liên quan đến “tín dụng đen”. UBND cấp huyện phối hợp sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại tổ dân phố, địa bàn khu dân cư về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; vận động cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân chủ động phát hiện, tố giác tội phạm nhằm hạn chế điều kiện phát sinh hoạt động “tín dụng đen”.

Tháng 12/2023, tỉnh phát hiện 1 vụ, 1 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, các đơn vị nghiệp vụ công an từ tỉnh đến 11 huyện, thị xã, thành phố rà soát, lên danh sách 16 cơ sở kinh doanh có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”. Qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở chấp hành tốt quy định về quản lý an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa phát hiện hoạt động “tín dụng đen”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh rà soát, lập danh sách, tiếp tục quản lý nghiệp vụ đối với 1 nhóm (5 đối tượng) và 56 đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, lên kế hoạch đấu tranh, triệt phá trong đợt cao điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, toàn tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp phòng ngừa, xử lý hoạt động “tín dụng đen”; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong Nhân dân, nhất là phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng, các hành vi cho vay lãi nặng, đáo hạn ngân hàng, đòi nợ thuê... Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, cảnh giác của người dân được nâng cao hơn trước. Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa hướng đúng đối tượng. Việc bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân còn hạn chế, tình trạng để lộ dữ liệu khách hàng vẫn còn. Mặt khác, tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là tội phạm ít nghiêm trọng (cao nhất 3 năm tù giam) nên hạn chế tạm giam, đồng thời hình phạt chưa mang tính răn đe cao. Trong khi đó, việc xử lý hình sự chưa nhiều, do phải đảm bảo 2 điều kiện: Lãi suất cho vay vượt quá 100%/năm (tương đương 8,3%/tháng) và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Do đó, các đối tượng thường không cho vay số tiền lớn, mà tách nhỏ khoản vay.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thành lập tổ công tác liên ngành do lực lượng công an làm nòng cốt, kiểm tra hành chính cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính và cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thông qua nhiều hình thức, nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, triển khai giải pháp tín dụng để hỗ trợ người có nhu cầu vay vốn chính đáng. Thực hiện nghiêm quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới