Tri Tôn thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

24/06/2024 10:15

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo… Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Nhiều dự án được triển khai

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn Lộ Thị Ngọc Hằng cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tri Tôn đã phân bổ số vốn 328,43 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư 228,66 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 99,76 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn trên, huyện Tri Tôn đã giải ngân trên 240 tỷ đồng, với 193,6 tỷ đồng vốn đầu tư và trên 46,3 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện dự án, mô hình giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cụ thể, đã thực hiện 71 công trình thuộc Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; thực hiện 25 mô hình giảm nghèo đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phân bổ thực hiện 7 dự án của Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng - Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Nhiều chương trình, hoạt động được triển khai giúp người dân huyện miền núi Tri Tôn cải thiện cuộc sống

 

Huyện Tri Tôn còn giải ngân nguồn vốn đầu tư và sự nghiệp để thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững - Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn với nhiều nội dung, hình thức. Qua đó, đã tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm; các lớp đào tạo nghề nông nghiệp; tập huấn về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho cán bộ các xã, thị trấn…

Ngoài ra, huyện Tri Tôn còn tập trung thực hiện hiệu quả đối với Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Năm 2023, đã cất mới 474 căn nhà, sửa chữa 19 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, huyện miền núi Tri Tôn còn tổ chức truyền thông và giảm nghèo về thông tin, thuộc Dự án 6 - Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều cho 1.650 lượt người. Ngoài ra, đối với Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; tổ chức các đoàn giám sát đối với Dự án 1, Dự án 2, Dự án 5; giám sát công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo…

Tỷ lệ hộ nghèo giảm

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn Lộ Thị Ngọc Hằng nhận định, việc xây dựng, phát triển công trình, cơ sở hạ tầng liên kết vùng trên địa bàn huyện theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Chương trình còn góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện theo nghị quyết đề ra.

“Đầu giai đoạn 2021 - 2025, tổng số hộ nghèo của huyện là 3.586 hộ, tỷ lệ 10,74%; 3.411 hộ cận nghèo, tỷ lệ 10,22%. Đến giai đoạn 2021 - 2023, tổng số hộ nghèo của huyện là 2.164 hộ, tỷ lệ 6,47%, giảm 4,27% so đầu giai đoạn. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ giới thiệu nhiều việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn để có việc làm thường xuyên…” - bà Hằng chia sẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai các dự án, tiểu dự án còn gặp khó khăn. Kết quả thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp của một số tiểu dự án, dự án còn chậm, thấp. Bên cạnh, còn có nhiều vướng mắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo…

Thời gian tới, huyện Tri Tôn tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, ngành; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới