Trả giá vì “lười học”
04/11/2024 13:08
Do nhu cầu phải có các chứng chỉ để đủ điều kiện tốt nghiệp và tìm việc làm, nhưng bản thân lại không chịu cố gắng học tập, một số sinh viên đã cấu kết làm chứng chỉ giả...
61 bị cáo tại phiên tòa
Khoảng đầu năm 2018, khi đang học tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang, Phan Văn Đức (sinh năm 1996, ngụ ấp An Thuận, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) đại diện nhóm bạn mua 6 chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, trình độ B giả, với giá 4,5 triệu đồng của đối tượng tên Nguyễn Văn Cường (giao dịch trên mạng xã hội, không rõ lai lịch) và được "trả công" 300.000 đồng. Lúc này, Đức nắm được thông tin nhiều sinh viên có nhu cầu cần chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, trình độ A2, trình độ B và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản giả để đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp, nên đã làm giả các chứng chỉ để bán lại hưởng tiền chênh lệch.
Để bán được nhiều tài liệu giả, Đức nói các sinh viên đã mua rủ thêm nhiều người khác cùng mua, rồi tập hợp thông tin gửi cho đối tượng hoặc làm trung gian nhận thông tin từ người mua để được giảm giá hoặc hưởng hoa hồng từ 50.000 - 100.000 đồng/1 tài liệu giả. Những sinh viên trực tiếp giúp sức cho Đức tiếp tục rủ rê, lôi kéo nhiều sinh viên khác làm trung gian nhận, gửi thông tin, tiền của người mua tài liệu giả.
Từ năm 2018 đến tháng 3/2023, với sự giúp sức của Lê Đăng Khoa (sinh năm 1998, ngụ ấp Đông Thạnh, xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang); Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1999, ngụ khóm Trung 2, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp); Bùi Ngô Minh Khôi (sinh năm 2000, ngụ ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) Đức và 57 sinh viên khác làm tổng cộng 1.013 tài liệu giả bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản của Trường Đại học An Giang, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A2, B1 của Trường Đại học Cần Thơ.
Trong đó, Đức làm 800 tài liệu giả, thu lợi khoảng 100 triệu đồng; Khoa, Nguyễn Thị Diễm My (sinh năm 1999, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) làm 317 tài liệu giả, Khoa thu lợi 5 triệu đồng; Tú làm 60 tài liệu giả, thu lợi 15 triệu đồng; Phạm Hồng Thái (sinh năm 2000, ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú) làm 55 tài liệu giả, thu lợi 2,4 triệu đồng; Khôi làm 53 tài liệu giả, thu lợi 4,8 triệu đồng; các bị cáo còn lại làm từ 2 - 44 tài liệu giả, thu lợi từ 100.000 - 5 triệu đồng. Từ ngày 30/8/2023 đến tháng 6/2024, có đến 61 bị can liên quan bị khởi tố tạm giam và bị cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về con dấu, tài liệu, giấy tờ. Trong đó, bị cáo Khoa giữ vai trò chủ chốt, tập trung thông tin để làm giả và phân phối tài liệu giả. Các bị cáo còn lại là người liên hệ hoặc những đầu mối của Đức, Khoa để làm chứng chỉ, thu tiền và nhận thông tin của những người có nhu cầu sử dụng tài liệu giả, rồi chuyển cho 2 bị cáo để thực hiện hành vi làm giả...
Sau khi xem xét, Tòa án nhân dân TP. Long Xuyên quyết định xử phạt bị cáo Đức 4 năm 3 tháng tù; Khoa 4 năm tù, phạt bổ sung 25 triệu đồng; Tú 2 năm 9 tháng tù; Khôi 2 năm 3 tháng tù. 49 bị cáo liên quan bị xử phạt từ 6 tháng tù đến 2 năm tù nhưng hưởng án treo và 8 bị cáo bị xử phạt bằng tiền (mỗi bị cáo 30 triệu đồng). Tất cả 61 bị cáo đều phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Khoản 1, 2, 3, Điều 341, Bộ luật Hình sự.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!