Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
21/11/2024 13:32
Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”… Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cụ thể hóa, thể hiện trong từng chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn đại biểu tỉnh An Giang viếng Lăng Bác
Năm 2024, tỉnh chọn chủ đề “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”, với 3 nội dung đột phá. Cụ thể: Chăm lo đời sống Nhân dân là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội, nhất là vai trò của tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong cộng đồng cùng chăm lo đời sống Nhân dân. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và đời sống Nhân dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Trên cơ sở những nội dung đột phá đã được xác định, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã quan tâm cụ thể hóa, tổ chức phát động, triển khai thực hiện nghiêm túc phong trào thi đua sâu rộng trong mỗi đơn vị, địa phương, trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Song song đó, thường xuyên tuyên truyền mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, gương “người tốt, việc tốt” trong chăm lo đời sống Nhân dân; làm cho những điều tử tế ngày càng thấm sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Qua triển khai, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Quỹ Vì người nghèo; xe chuyển bệnh miễn phí; xã hội hóa xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; Quỹ Khuyến học - Khuyến tài; bếp ăn từ thiện và nhiều mô hình thiện nguyện khác. Thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao” năm 2024, toàn tỉnh có hơn 1.600 mô hình đăng ký ở 4 lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, góp phần cùng địa phương chăm lo đời sống Nhân dân. Tính đến tháng 9/2024, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh tiếp nhận đóng góp 222 tỷ đồng (số tiền đầu kỳ chuyển sang trên 33,6 tỷ đồng, nâng tổng trị giá trên 256 tỷ đồng). Ban Vận động Quỹ cứu trợ tỉnh, huyện tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, tổng số tiền và hiện vật trên 38,4 tỷ đồng, hỗ trợ người dân các tỉnh bị bão lũ…
Đặc biệt, cuối tháng 9/2024, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đoàn đại biểu tỉnh An Giang, do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương làm trưởng đoàn, đã long trọng thực hiện Lễ báo công dâng Bác, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn có 15 điển hình tiêu biểu, đại diện cho hàng ngàn tấm gương đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn trên địa bàn tỉnh.
Hòa thượng Thích Tôn Quảng (Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TX. Tịnh Biên, Trụ trì chùa Bửu Sơn) chia sẻ: “Tôi luôn học tập theo Bác Hồ, Bác Tôn và các giáo lý Phật giáo để chăm lo đời sống Nhân dân, thông qua việc làm thiện nguyện và tu thân. Thời gian qua, tôi đẩy mạnh hoạt động xây nhà cho hộ nghèo, chăm lo người yếu thế… với mong muốn chia sẻ gánh nặng của bà con. Đây là niềm hạnh phúc của bản thân khi thực hiện theo tấm gương của Bác Hồ, Bác Tôn, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện giáo lý nhà Phật, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”.
Chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế
“Là hội viên hội cựu chiến binh, tôi luôn phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ, làm theo lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Với việc mở lớp học văn hóa “Tình thương” từ năm 1992 đến nay, tôi đã giúp cho hàng trăm trẻ em lang thang, cơ nhỡ, không có điều kiện đến trường được học chữ, học kỹ năng sống, biết lễ nghĩa với mọi người... Ngoài ra, tôi còn thành lập Câu lạc bộ “Ông - Bà - Cháu”, với tâm niệm tiếp tục đóng góp tâm sức để cùng chung tay với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân địa phương thực hiện việc làm ý nghĩa, giúp ích cho xã hội” - ông Nguyễn Hữu Thời (sinh năm 1951, thương binh hạng 2/4, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
TS. Lê Quang Vinh (Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) cho biết, quan niệm và hành động của Bác Hồ, Bác Tôn về việc chăm lo đời sống Nhân dân lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp, đòi hỏi các tổ chức chính trị - xã hội cần phải nghiên cứu, vận dụng vào việc chăm lo đời sống Nhân dân ở địa phương.
“Thiết nghĩ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cần có biện pháp cụ thể, tích cực đảm bảo đời sống Nhân dân, trước hết là đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống, chăm sóc sức khỏe, học hành... Cần tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội trong việc chăm lo đời sống Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; tuyên truyền mạnh mẽ hơn để khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sự nỗ lực của Nhân dân trên địa bàn tỉnh…” - TS. Lê Quang Vinh nhấn mạnh.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!
Công an An Giang bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt
An Giang tăng cường phòng, chống bệnh sởi
Con nước cuối mùa
Từ đam mê đến nghệ nhân trồng lan
An Giang mời gọi đầu tư
Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất TP. Long Xuyên